Lãi suất vẫn có thể giảm thêm?

Phát biểu trước Quốc Hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay. Liệu mục tiêu này có khả thi?

Lãi suất vẫn có thể giảm thêm?

Phát biểu trước Quốc Hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay. Liệu mục tiêu này có khả thi?

Tạo thêm nguồn lực

Trong gần 2 năm qua, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị thiệt hại nghiêm trọng, ngân hàng vẫn là một trong những nhóm ăn nên làm ra khi chứng kiến lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bất chấp nợ xấu gia tăng và áp lực trích lập dự phòng, các hoạt động tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi phí trong hơn 1 năm qua, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn không mấy suy suyển.

Đó là kết quả từ việc quy mô kinh doanh, đặc biệt dư nợ tín dụng, của các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn thu nhập ngoài lãi ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu của các TCTD. Các hoạt động bán chéo sản phẩm như bancassurance, dịch vụ thanh toán tự động, thu chi hộ ngày càng mở rộng nhờ vào xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, đã giúp nguồn thu phí dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt bậc.

Nhờ đó, các nhà băng cũng mạnh tay chi tiêu, đầu tư vào các dự án mới, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các dự án số hóa hoạt động, nâng cấp trụ sở kinh doanh, chi thưởng cho cán bộ nhân viên, đẩy chi phí hoạt động cũng tăng mạnh theo thu nhập. Lợi nhuận cao cũng giúp các ngân hàng chia cổ tức cho cổ đông khá rộng tay hơn so với giai đoạn trước.

Dữ liệu thống kê của 28 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của 28 ngân hàng này 9 tháng đầu năm nay là 33%, dù giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vì thu nhập thực tế tăng quá mạnh nên số dư tuyệt đối của chi phí hoạt động cũng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng chi phí hoạt động 9 tháng của các ngân hàng này là hơn 115 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng khá lớn là SCB tăng 53%, Nam A Bank và VIB tăng 31%, Techcombank và MB đều tăng trên 20%,…

Chính vì vậy, việc nhà điều hành chỉ đạo và kêu gọi các ngân hàng phải tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, có lẽ là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thực tế là với nguồn vốn tại các TCTD vẫn đang dồi dào, thanh khoản hệ thống hiện nay dư thừa, các ngân hàng có lẽ không cần tiết giảm chi phí hoạt động vẫn đủ khả năng giảm thêm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.

Nhiều điều kiện hỗ trợ giảm thêm lãi suất

Báo cáo của CTCK SSI mới đây cho thấy một lượng lớn ngoại tệ đã được NHNN mua lại từ các ngân hàng thương mại thông qua hình thức giao ngay trong tuần vừa qua trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn tiền VNĐ đã được cơ quan quản lý tiền tệ bơm vào hệ thống ngân hàng.

Mới đây nhất vào ngày 10/11, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có giao dịch chào mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại với khối lượng là 250 triệu USD, tương đương gần 5,700 tỷ đồng, theo phương thức giao ngay. Đáng lưu ý là từ đầu tháng 11 tới nay, NHNN cũng liên tục đáo hạn các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn thực hiện từ tháng 5 để bơm lượng lớn tiền VNĐ vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Với nguồn cung ngoại tệ quay trở lại trạng thái dồi dào, khi thương mại Việt Nam lũy kế 10 tháng chứng kiến xuất siêu trở lại, dòng vốn đầu tư nước ngoài hồi phục trong 2 tháng gần đây, đã tạo điều kiện cho nhà điều hành nới lỏng thêm chính sách bằng cách bơm tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ, sau khi đã đạt được thỏa thuận tiền tệ với Mỹ hồi tháng 7 vừa qua. Việc NHNN mới đây lần thứ 3 trong năm nay giảm mạnh giá mua vào đô la Mỹ tại Sở giao dịch NHNN càng củng cố thêm quan điểm nguồn cung ngoại tệ đang khá vượt trội so với cầu.

Với dòng kiều hối sẽ càng đổ mạnh về cuối năm, cộng thêm hoạt động xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại sau khi Việt Nam gỡ bỏ giãn cách, nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, một số ngân hàng thời gian qua đã tích cực vay vốn ngoại tệ, như Techcombank vay thành công khoản vay 800 triệu USD hợp vốn; SHB lên kế hoạch niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế tại Singapore hay Vinpearl, HDBank huy động hàng trăm triệu USD trái phiếu quốc tế,… sẽ càng tạo điều kiện cho NHNN mua thêm ngoại tệ và bơm tiền đồng, giúp thanh khoản hệ thống duy trì trạng thái dồi dào về cuối năm.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng đã tích cực tăng thêm vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, song song việc phát hành các trái phiếu kỳ hạn ngắn với lãi suất còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm, cũng giúp nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng bền vững hơn. Xu hướng này càng giúp các nhà băng giảm được chi phí vốn đầu vào, mở ra cơ hội giảm thêm lãi suất đầu ra mà vẫn không tác động quá mạnh đến hiệu suất sinh lời.

Ở chiều ngược lại, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/10 ghi nhận mức tăng 8.72% so với cuối năm ngoái, dù cao hơn so với mức tăng 6.5% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu 12-13% cho năm nay. Thực tế là trong 9 tháng đầu năm nay, việc tăng trưởng tín dụng trì trệ đã buộc các ngân hàng phải mạnh tay đầu tư vào thị trường trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và chấp nhận lãi suất phát hành thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay.

Với nhu cầu tín dụng đang dần hồi phục, để hóa giải bài toán đầu ra trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay để đẩy mạnh các chương trình tín dụng về cuối năm. Ngoài ra, lạm phát năm nay tiếp tục được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra, cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất tiền gửi đầu vào trong thời gian còn lại của năm nay. Thực tế một số tổ chức cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 4 này.

Ngoài lời kêu gọi các TCTD giảm thêm lãi suất cho vay, được biết NHNN cũng đang thiết kế gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm. Cụ thể theo Bộ trưởng tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang tham mưu Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20,000 tỷ đồng, hai năm 2022-2023 khoảng 40,000 tỷ đồng. “Như vậy, nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì chúng ta có một triệu tỷ đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy, tạo việc làm, gia tăng sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau", theo Bộ trưởng cho biết.

Việc nhà điều hành chỉ đạo và kêu gọi các ngân hàng phải tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, có lẽ là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thực tế là với nguồn vốn tại các TCTD vẫn đang dồi dào, thanh khoản hệ thống hiện nay dư thừa, các ngân hàng có lẽ không cần tiết giảm chi phí hoạt động vẫn đủ khả năng giảm thêm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay là khả thi.

Phan Thụy

FILI