Lỗ 235 tỷ đồng năm 2020, HUT lần đầu bước “hụt” từ khi niêm yết

CTCP Tasco (HNX: HUT) báo lỗ ròng 152 tỷ đồng trong quý 4/2020, cũng là quý thứ 3 liên tiếp.

Lỗ 235 tỷ đồng năm 2020, HUT lần đầu bước “hụt” từ khi niêm yết

CTCP Tasco (HNX: HUT) báo lỗ ròng 152 tỷ đồng trong quý 4/2020, cũng là quý thứ 3 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và năm 2020 của HUT. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của HUT

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, HUT đem về gần 216 tỷ đồng doanh thu trong quý 4/2020, giảm 14% so cùng kỳ. Song do giá vốn tăng gấp đôi khiến Công ty lỗ gộp gần 36 tỷ đồng.

HUT giải trình mặc dù doanh thu từ hoạt động thu phí không dừng tăng so với năm trước nhưng chi phí tăng nhiều do đây là giai đoạn các năm đầu của dự án nên các chi phí triển khai rất lớn, trong khi doanh thu chỉ tăng dần vào các năm tiếp theo sau đó.

Đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí đường bộ, do tình hình dịch Covid–19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu thu phí đường bộ, đồng thời trong quý 4/2020 phát sinh chi phí trung tu của dự án BOT Quảng Bình dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động thu phí giảm gần 9 tỷ đồng so cùng kỳ.

Ngoài ra, HUT cũng cho biết vốn kinh doanh bất động sản tăng đột biến là do trước đây Công ty thực hiện hạch toán giá vốn tiền sử dụng đất của dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương; tuy nhiên sau khi thực hiện rà soát về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đông xây dựng – chuyển giao, nghĩa vụ tài chính về đất của toàn dự án tăng 105 tỷ đồng.

Thuyết minh doanh thu và giá vốn quý 4/2020 của HUT
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của HUT

Thêm vào đó, HUT không có khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay gần 9 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.

Mặc dù kinh doanh đi xuống song chi phí bán hàng và quản lý lại gia tăng lần lượt 312% và 23% so cùng kỳ. Điều này đến từ việc Công ty đẩy mạnh triển khai bán hàng và thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một khoản nợ phải thu đã quá hạn.

Đó là các nguyên nhân khiến HUT thua lỗ ròng 152 tỷ đồng trong quý 4/2020, cũng là quý thứ 3 liên tiếp.

Lũy kế cả năm 2020, HUT báo con số lỗ ròng 235 tỷ đồng (2019 lãi ròng gần 54 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hạ tầng này thua lỗ kể từ khi niêm yết (2008).

HUT lần đầu tiên thua lỗ kể từ khi niêm yết (2008)

Đến thời điểm 31/12/2020, HUT đang có tổng tài sản 10,158 tỷ đồng, giảm 8% sau 1 năm. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm phân nửa về mức 975 tỷ đồng.

Hiện giá trị tài sản dở dang dài hạn ở mức 1,137 tỷ đồng, thu hẹp 37% so với hồi đầu năm 2020. Trong đó chi phí lớn nhất ghi nhận đối với dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (343 tỷ đồng), dự án KĐTM Vân Canh (271 tỷ đồng), dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 (314 tỷ đồng)...

Đáng ngạc nhiên là giá cổ phiếu HUT trên thị trường lại diễn biến ngược pha với tình hình kinh doanh. Tính riêng trong năm 2020, HUT đã tăng giá 75%, chốt phiên 31/12/2020 ở 4,200 tỷ đồng. 

Sang năm 2021, cổ phiếu này còn tiếp tục tăng lên đỉnh giá 5,400 đồng/cp (phiên 25/01) và sau đó đã điều chỉnh về 4,300 đồng (chốt phiên 01/02).

Diễn biến giá cổ phiếu HUT từ đầu năm 2020 đến nay. Đvt: Đồng

*Trùm hạ tầng Tasco lỗ kỷ lục trong quý 3

Duy Na

FILI