Lộ diện cổ đông ngoại mua gần 25% vốn, cổ phiếu VPD liền "đổ đèo"

Phiên sáng 20/12, hơn 26.6 triệu cp của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD) được khối ngoại mua vào theo hình thức thỏa thuận. Nay, danh tính cổ đông này đã được tiết lộ.

Lộ diện cổ đông ngoại mua gần 25% vốn, cổ phiếu VPD liền "đổ đèo"

Phiên sáng 20/12, hơn 26.6 triệu cp của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD) được khối ngoại mua vào theo hình thức thỏa thuận. Nay, danh tính cổ đông này đã được tiết lộ.

Theo báo cáo gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), TEPCO Renewable Power Singapore Pte.Ltd - doanh nghiệp chuyên về mảng năng lượng tái tạo - đã mua 26.6 triệu cp VPD theo hình thức thỏa thuận trong ngày 20/12. Sau khi kết thúc giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của TEPCO là 24.96% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn của VPD.

Được biết, TEPCO Renewable Power Singapore Pte.Ltd là pháp nhân kinh doanh tại quốc đảo Sư tử của TEPCO Renewable Power - Công ty thành viên chuyên về lĩnh vực phát điện tái tạo thuộc Tokyo Electric Power Company Holdings, Incorporated (TEPCO Group hay Tập đoàn TEPCO) đến từ Nhật Bản. Tính đến hết năm 2021, pháp nhân tại Singapore có tổng vốn 51.15 triệu USD.

Theo tìm hiểu của người viết, hơn 26.6 triệu cp VPD trong sáng 20/12 được chia làm 4 giao dịch thỏa thuận ở mức giá 29,100 đồng/cp. Như vậy, ước tính TEPCO đã chi ra khoảng 774 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần nêu trên.

Bên cạnh mảng năng lượng tái tạo, TEPCO còn có những nhánh kinh doanh về nhiên liệu (TEPCO Fuel & Power), điện lưới (TEPCO Power Grid), buôn bán điện (TEPCO Energy Partner).

Hệ sinh thái của TEPCO

Trong số 26.6 triệu cp được TEPCO mua vào, có 1 giao dịch với số lượng gần 18.3 triệu cp (17.17% vốn điều lệ của VPD). Trước đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đăng ký thoái toàn bộ vốn tại VPD với lý do cơ cấu tài chính trong giai đoạn từ 12/12/2022 - 06/01/2023, với lượng cổ phiếu đăng ký bán tương đương. Nhiều khả năng đây là số cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng này bán ra. Ước tính, Tuấn Lộc đã thu về gần 540 tỷ đồng sau thương vụ.

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, Tuấn Lộc là cổ đông lớn thứ 2 của VPD. Cổ đông lớn nhất là Tổng Công ty phát điện 1 (Genco1) với 390 tỷ đồng vốn góp, tương đương 39 triệu cp và 36% cổ phần. Công đoàn Điện lực Việt Nam nắm 3.24%, tương đương 3.4 triệu cp; Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) nắm 10.6% cổ phần, tương đương 11.3 triệu cp. Với việc thương vụ trên, TEPCO đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại VPD, thay cho Tuấn Lộc. 

Về tình hình kinh doanh, quý 3/2022, VPD báo lãi sau thuế tăng 70.5%, chủ yếu do sản lượng điện thương mại tăng cao (hơn 35.47 triệu kWh) khiến doanh thu tăng mạnh gần 33%.

Trên thị trường, mặc dù chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay trong xu hướng giảm nhưng cổ phiếu VPD lại tăng trưởng liên tục, trong vòng 1 năm trở lại cổ phiếu này tăng gần 60%.  Tính từ đầu tháng 12, thị giá cổ phiếu VPD cũng trong xu hướng tăng. Tuy nhiên ngay sau khi TEPCO mua vào, cổ phiếu này trải qua 2 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 1 phiên giảm sàn. Kết phiên 22/12, thị giá VPD là 26,300 đồng/cp. 

Cổ phiếu VPD trải qua 2 phiên giảm sau khi TEPCO mua gần 25% cổ phần

Châu An

FILI