Lỗ lũy kế gần 300 tỷ, HKB bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến 4 năm liên tiếp

Theo BCTC hợp nhất giữa niên độ 2022 sau soát xét, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (UPCoM: HKB) lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng. Điều đáng nói, kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ý kiến đối với BCTC của Công ty năm thứ 4 liên tiếp.

Lỗ lũy kế gần 300 tỷ, HKB bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến 4 năm liên tiếp

Theo BCTC hợp nhất giữa niên độ 2022 sau soát xét, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (UPCoM: HKB) lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng. Điều đáng nói, kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ý kiến đối với BCTC của Công ty năm thứ 4 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của HKB sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, HKB ghi nhận doanh thu thuần gần 3 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, tương đương mức lỗ cùng kỳ. Tính đến ngày 30/06/2022, tổng lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, HKB cho biết Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các Ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 8 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2021; đồng thời chỉ còn lỗ sau thuế 55 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ sau thuế hơn 58 tỷ đồng trong năm 2021. So với kế hoạch, Công ty mới thực hiện được 36.3% kế hoạch doanh thu cả năm.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ý kiến cho BCTC hợp nhất giữa niên độ 2022 sau soát xét. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, Công ty phải “nhận án” từ kiểm toán. Kiểm toán viên đưa ra 4 lý do để từ chối đưa ra ý kiến, bao gồm:

Thứ nhất, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ của khoản lợi thế thương mại gần 200 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2022, con số này hồi đầu năm là 222 tỷ đồng.

Cụ thể, tại mục 4 của Bản Thuyết minh, lợi thế thương mại của Công ty phát sinh từ năm 2016 từ các giao dịch của hai công ty con là CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam và CTCP Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai. Lumex dùng toàn bộ số vốn điều lệ 410 tỷ đồng để mua hơn 3.4 triệu cp; Hưng Lộc Phát Gia Lai dùng toàn bộ số vốn điều lệ 90 tỷ đồng để mua 750 ngàn cp của các cổ đông hiện hữu của CTCP Thương mại - Xuất nhập khẩu Tấn Hưng với giá mua 120,000 đồng/cp (mệnh giá 10,000 đồng/cp). Giá giao dịch 120,000 đồng/cp được xác định theo kết quả Chứng thư thẩm định của Công ty TNHH Định giá Cimeico.

Thứ hai, kiểm toán viên chưa nhận được thư xác nhận tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và ông Nguyễn Chí Đặng.

Tại Thuyết minh số 5.5, số dư tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình (Nguyên Giám đốc CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Tấn Hưng) tại ngày 30/06/2022 hơn 47.5 tỷ đồng tạm ứng từ năm 2016 (chiếm 97.4% tổng tài sản của  CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Tấn Hưng).

Khoản tạm ứng của ông Nguyễn Chí Đặng tại ngày 30/06/2022 hơn 4.2 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là 4 tỷ đồng), trong đó 4 tỷ đồng tạm ứng từ năm 2016.

Thứ ba, kiểm toán chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho.

Tại thuyết minh 5.8, giá trị hàng tồn kho theo kiểm kê thực tế tại ngày 30/06/2022 là 23 triệu đồng, giá trị hàng tồn kho không có trong kiểm kê tại ngày 30/06/2022 hơn 1.7 tỷ đồng. Công ty chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho. Việc chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho ở niên độ trước dẫn đến kiểm toán phải đưa ra ý kiến từ chối với BCTC niên độ đó.

Cuối cùng, do hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của HKB tiếp tục lỗ và các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Tại ngày 30/06/2022, Công ty đang bị lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng, các khoản nợ vay ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 102 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Công ty hơn 85.5 tỷ đồng.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. BCTC hợp nhất giữa niên độ vẫn được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục nhưng kiểm toán viên không thu thập được bằng chứng thích hợp về tính khả thi với kế hoạch của Ban Tổng Giám đốc nhằm duy trì khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Trước ý kiến của kiểm toán, HKB đã có công văn giải trình. Công ty cho biết hiện nay, Ban lãnh đạo Công ty đang phối hợp với các bộ phận liên quan để đối chiếu chứng từ công nợ tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và ông Nguyễn Chí Đặng và xác định nguyên nhân đối với khoản hàng tồn kho bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dài vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thuận tiện cho việc tiếp xúc và phối hợp trực tiếp giữa những người liên quan. Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Công ty sẽ làm việc với các cá nhân liên quan để xử lý những tồn tại trên.

Thế Mạnh

FILI