LTG - Đa dạng hóa không phải lúc nào cũng tốt

Dù có tiềm năng phát triển và nền tảng tốt nhưng hiệu quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lại không mấy khả quan trong những năm gần đây. Mảng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng gạo đều ghi nhận sự sụt giảm.

LTG - Đa dạng hóa không phải lúc nào cũng tốt

Dù có tiềm năng phát triển và nền tảng tốt nhưng hiệu quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lại không mấy khả quan trong những năm gần đây. Mảng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng gạo đều ghi nhận sự sụt giảm.

Thực trạng ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh phối hợp cùng Vietnam Business Monitor, thị trường thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam hiện nay rất lớn, với quy mô mỗi năm sử dụng từ 70,000-100,000 tấn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây triển vọng phát triển của ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không thực sự lạc quan.

Bởi vì ngành nông nghiệp đang dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, diện tích đất gieo trồng lúa của Việt Nam đã hầu như không còn gia tăng kể từ năm 1999. Vì vậy, để gia tăng giá trị sinh lời người nông dân đang dần gia tăng chất lượng sản phẩm để bán với giá cao hơn bằng cách chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Chính xu hướng này đã góp phần làm giảm tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 30,000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019. Các loại thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ tuyến trùng, thuốc bảo quản, khử trùng, thuốc trừ cỏ… Trong đó, Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, giảm 25.6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê

Đi theo chiến lược đa dạng hóa

LTG là doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu thị phần thuốc bảo vệ thực vật trong nước. Giá trị nhập khẩu chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu toàn thị trường Việt Nam, tăng so với mức 4.6% của năm trước.

Ngoài thuốc bảo vệ thực vật, LTG còn kinh doanh mảng lương thực (chủ yếu là gạo), hạt giống… Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo cả nước đạt 4.5 triệu tấn và 2.2 tỷ USD, giảm 1.7% về khối lượng nhưng tăng hơn 10.4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 2011. Giá gạo tăng cao cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đã tạo nhiều cơ hội tốt cho mảng xuất khẩu gạo Việt Nam.

Nguồn: VietstockFinance

Lưu ý: Những doanh nghiệp được thể hiện bằng quả bóng màu đỏ là những doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường (Market Cap) trên 1,000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại được thể hiện bằng quả bóng màu xanh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng năm 2020 mảng gạo của LTG chưa thể bứt phá do các chính sách hạn chế xuất khẩu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do các quốc gia thực thi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Vào tháng 09/2020, LTG đã xuất khẩu 126 tấn gạo sang EU. Đây là lô gạo đầu tiên xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế 0% theo EVFTA. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp mảng xuất khẩu gạo của LTG tăng trở lại.

Nguồn: LTG

Bên cạnh đó, LTG đang dần lấn sân sang mảng logistics. Hội đồng quản trị LTG vừa thông qua Nghị quyết thành lập Công ty TNHH Dịch vụ kho vận Lộc Trời với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Công ty sẽ hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực kho bãi và lưu trữ hàng hóa. Ngoài ra, công ty cũng sẽ bán buôn các mặt hàng khác như phân bón, bao bì; cho thuê xe động cơ và hoạt động ở các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Kết quả hoạt động kinh doanh kém khả quan

Doanh thu và lợi nhuận ròng của LTG kể từ 2015 đến nay không biến động mạnh. Năm 2019 cả doanh thu và lợi nhuận đạt mức 8,310 tỷ đồng và 335 tỷ đồng, giảm lần lượt 7.98% và 19.08% so với cùng kỳ năm trước. Sang năm 2020, do tình hình khó khăn chung của thị trường cùng với sự tác động của dịch Covid-19 mà kết quả hoạt động kinh doanh của LTG sụt giảm mạnh.

Xét lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp đạt 2,200 tỷ đồng doanh thu thuần và 116 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 49.77% và 54.97% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm được ghi nhận là do sự sụt giảm của hai mảng kinh doanh chính gồm thuốc bảo vệ thực vật và gạo. Cụ thể, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 52.21%, đạt 1,307 tỷ đồng, trong khi doanh thu gạo chỉ đạt 435 tỷ đồng, giảm 60.33%.

Điểm sáng hiếm hoi là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của LTG trong 6 tháng đầu năm dương 255 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ công ty đã thu hồi được gần 1,335 tỷ đồng khoản phải thu.

Nguồn: VietstockFinance

Định giá cổ phiếu

Do LTG đang sở hữu vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp ở Việt Nam nên không có so sánh tương đương từ các cổ phiếu đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM. Việc sử dụng các cổ phiếu nội địa làm mẫu so sánh ngang để định giá LTG sẽ không được hợp lý và toàn diện.

Do vậy, chúng tôi sử dụng các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có quy mô, vị thế trong ngành tương đương để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn chủ yếu nằm trong khu vực Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…).

Mô hình DDM, phương pháp P/E kết hợp cùng mô hình RIM (Residual Income Model) với tỷ trọng tương đương chúng ta được mức định giá lý thuyết là 26,119 đồng.

Như vậy, nếu giá thị trường rơi xuống dưới mức 18,300 đồng (chiết khấu khoảng 30% so với giá trị định giá) thì nhà đầu tư có thể mua vào từ từ cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI