Mekophar báo lãi ròng quý 3 chưa tới 1 tỷ đồng

CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần hơn 255 tỷ đồng và lãi ròng gần 1 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 95% so cùng kỳ.

Mekophar báo lãi ròng quý 3 chưa tới 1 tỷ đồng

CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần hơn 255 tỷ đồng và lãi ròng gần 1 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 95% so cùng kỳ.

Lãi ròng quý 3 chưa tới 1 tỷ đồng

MKP ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2020 hơn 255 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm chậm hơn doanh thu, Công ty thu được hơn 53 tỷ đồng lãi gộp, nhưng vẫn giảm 32% so cùng kỳ.

Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, MKP lãi ròng gần 1 tỷ đồng, giảm 95% so cùng kỳ.

9 tháng đầu năm, MKP đem về gần 900 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 409 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa chiếm 434 tỷ đồng. Công ty lãi ròng hơn 10 tỷ đồng, giảm 45%.

Như vậy, MKP mới thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận (LNTT) sau 3 quý. Tới cuối tháng 9/2020, Công ty đang có tổng tài sản hơn 1,439 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 629 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 810 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 của MKP. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của MKP

Sức cạnh tranh của MKP ở đâu so với các đơn vị cùng ngành?

Năm 2015, MKP từng là doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành dược với hệ thống máy móc trang thiết bị sản xuất hiện đại cùng thương hiệu 30 năm. Công ty còn có sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông như Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN), cổ đông chiến lược Nipropharma,…

Nhưng đến nay, lợi nhuận của MKP lại tụt dốc chưa có dấu hiệu dừng. Năm 2016, MKP đạt gần 120 tỷ đồng lãi sau thuế; đến năm 2019, con số này chỉ còn 65 tỷ đồng.

Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của MKP

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, một số cổ đông thắc mắc tại sao đều có sự góp vốn của DVN, nhưng các đơn vị như Imexpharm (HOSE: IMP) hay Domesco (HOSE: DMC) lại có kết quả khả quan hơn trong các năm gần đây? Ban lãnh đạo MKP lý giải cần nhìn nhận rằng mỗi đơn vị có định hướng, lợi thế riêng và khó so sánh được. Với IMP, Công ty đầu tư dây chuyền có khác biệt về tiêu chuẩn. Đồng thời, đấu thầu được chia theo nhiều nhóm và MKP hiện đang thuộc nhóm 3 nên giá đấu thấp. HĐQT MKP định hướng khi nhà máy mới hoàn thiện, Công ty sẽ được đưa vào nhóm 2, khi đó mức giá sẽ khác biệt thấy rõ.

Nhìn nhận về nhà máy mới MKP BP tại quận 9, MKP cho biết khó khăn về thủ tục chuyển giao nhiều hơn dự kiến. Công ty chưa lường được sự khắt khe trong công tác kiểm tra, thẩm định từ phía Nhật Bản. Thực tế, tính đến thời điểm tháng 4/2020, nhà máy mới chỉ xuất được 2 lô hàng. Chi phí ngày càng đội lên do đầu tư vào giai đoạn cao hơn (quy mô 2 tỷ viên thuốc). Do mới hoạt động và doanh thu chưa đáng kể, nhà máy này ghi nhận lỗ khoảng 20-30 tỷ đồng mỗi năm.

*ĐHĐCĐ Mekophar: Nhà máy MKP BP có thể lỗ 50 tỷ trong năm 2020

Duy Na

FILI