Mía đường tăng giá, SBT báo lãi ròng quý đầu niên độ 2022-2023 tăng 16%

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HOSE: SBT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1 niên độ tài chính (NĐTC) 2022-2023 với doanh thu và lợi nhuận ròng đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. 

Mía đường tăng giá, SBT báo lãi ròng quý đầu niên độ 2022-2023 tăng 16%

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HOSE: SBT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1 niên độ tài chính (NĐTC) 2022-2023 với doanh thu và lợi nhuận ròng đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. 

*Niên độ của SBT tính từ 01/07 tới 30/06 năm sau

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 NĐTC 2022-2023 của SBT. Đvt: Tỷ đồng

Quý 1 NĐTC 2022-2023, sản phẩm đường đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu, chiếm tỷ trọng 90%. Theo đó, doanh thu thuần đạt gần 5,310 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11.5% lên 12.5%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 666 tỷ đồng, tăng 34%.

Cơ cấu doanh thu của SBT trong quý đầu tiên NĐTC 2022-2023
Nguồn: SBT

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính giảm 25% so với cùng kỳ, còn gần 260 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm mạnh từ khoản lãi kinh doanh hợp đồng tương lai của Công ty, còn hơn 85 tỷ đồng (giảm 65%), dù khoản ứng trước cho nhà cung cấp và khoản đặt cọc cao gấp 2.1 lần, đạt gần 121 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 12%, lên gần 340 tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí lãi vay hơn 232 tỷ đồng (tăng 21%). Chi phí bán hàng cũng tăng 10%, lên gần 159 tỷ đồng; ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 7%, về 137 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, SBT lãi ròng gần 226 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng chủ yếu do doanh thu và giá bán đường tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp về nông nghiệp, sản xuất… nhằm tối ưu chi phí giá thành sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí tại tất cả các khâu, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Mới đây, SBT vừa họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 28/10/2022. NĐTC 2022-2023, Công ty đặt mục tiêu đạt 17,017 tỷ đồng tổng doanh thu và 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Kế hoạch này giảm lần lượt 7% và 18.6% so với NĐTC 2021-2022. Kết thúc quý đầu tiên của niên độ mới, SBT thực hiện được hơn 33% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kết quả kinh doanh 4 niên độ gần đây của SBT. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tính tới ngày 30/09/2022, tổng tài sản của SBT đạt gần 28,880 tỷ đồng, gần như không biến động so với cuối tháng 6/2022. Tiền và các khoản tương đương tiền gần 2,480 tỷ đồng (giảm 3%); đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 2,216 tỷ đồng (tăng 9%).

Trong đó, danh mục chứng khoán kinh doanh của SBT có giá trị gần 806 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối tháng 6. SBT đang phải trích lập dự phòng giảm giá gần 40 tỷ đồng. Tại ngày 30/09/2022, SBT nắm giữ hơn 49.4 triệu cp GEG; hơn 34 triệu cp VNG và  932,000 cp chứng khoán khác.

Danh mục đầu tư chứng khoán của SBT tại ngày 30/09/2022
Nguồn: SBT

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn đạt hơn 9,062 tỷ đồng (tăng 5%), chiếm chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng gần 2,270 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn hơn 4,693 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác gần 2,163 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 83 tỷ đồng (giảm 18%).

Hàng tồn kho đạt gần 3,692 tỷ đồng, giảm 20%. Mức giảm đến từ thành phẩm giảm và hàng hóa lần lượt giảm 17% và 68%, đạt hơn 986 tỷ đồng và gần 470 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của SBT tại thời điểm cuối tháng 9/2022
Nguồn: SBT

Đầu tư tài chính dài hạn đạt hơn 2,996 tỷ đồng, tăng 17%, phần lớn là đầu tư vào công ty liên kết hơn 2,524 tỷ đồng (+21%). Kết quả tăng tới từ khoản đầu tư vào CTCP Toàn Hải Vân đạt hơn 2,006 tỷ đồng (+28%). Theo Thuyết mình, tại ngày 01/07/2022, nhóm Công ty đã hoàn thành góp vốn vào CTCP Toàn Hải Vân (THV) để mua thêm gần 36.8 triệu cp THV với tổng giá trị hơn 441.5 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của SBT đạt gần 17,945 tỷ đồng, đi ngang so với cuối niên độ trước. Vay nợ thuê ngắn hạn đạt hơn 8,734 tỷ đồng (không biến động); phải trả ngắn hạn khác hơn 3,792 tỷ đồng (+44%), phải trả người mua ngắn hạn gần 1,287 tỷ đồng (-30%); người mua trả tiền trước ngắn hạn hơn 768 tỷ đồng (-39%); vay nợ thuê dài hạn hơn 2,406 tỷ đồng.

Tới cuối tháng 9/2022, SBT vay ngắn hạn của ngân hàng gần 7,960 tỷ đồng, trong đó nợ nhiều nhất là ngân hàng BIDV - Chi nhánh Gia Định với số tiền gần 1,091 tỷ đồng; ngân hàng OCB - Chi nhánh Đắk Lắk gần 561 tỷ đồng; ngân hàng MSB - Chi nhánh HCM hơn 488 tỷ đồng; ngân hàng VIB - Chi nhánh Đồng Nai gần 450 tỷ đồng… Đặc biệt, nhiều khoản vay ngắn hạn ngân hàng có kỳ hạn trả gốc vào giữa và cuối năm 2022.

Thế Mạnh

FILI