Một doanh nghiệp thủy sản lụi tàn vì gánh nặng nợ vay

Từ một doanh nghiệp thủy sản có doanh thu ngàn tỷ, Cadovimex bỗng dưng lụi tàn đến nỗi sắp phá sản với núi nợ chồng chất.

Một doanh nghiệp thủy sản lụi tàn vì gánh nặng nợ vay

Từ một doanh nghiệp thủy sản có doanh thu ngàn tỷ, Cadovimex bỗng dưng lụi tàn đến nỗi sắp phá sản với núi nợ chồng chất.

Trong nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 mới đây, CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cadovimex (UPCoM: CAD) dự tính sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho công ty trong năm 2022 sau khi lỗ lũy kế lên gần 1.4 ngàn tỷ đồng.

Đây là kết quả đáng buồn với Cadovimex – một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản uy tín, nhưng nhanh chóng tụt dốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 14 năm.

Xuống dốc kể từ sau khủng hoảng năm 2008

Tiền thân là Công ty Liên hiệp Thủy sản Cái Nước được thành lập trong năm 1985, Cadovimex là doanh nghiệp chế biến thủy sản (tôm, mực, cá) và xuất khẩu tới các thị trường như EU, Mỹ, Úc và Hàn Quốc.

Vào năm 2008, cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng mạnh tới việc làm ăn của Cadovimex, đồng thời Công ty còn bị khách hàng chiếm dụng vốn dài hạn lên tới 175 tỷ đồng (sau nhiều năm vẫn chưa thu hồi được). Đây là một con số rất lớn với một công ty chỉ có tổng tài sản hơn 1,000 tỷ đồng và tiền mặt khoảng 11 tỷ đồng.

Thiếu vốn trầm trọng, Cadovimex buộc phụ thuộc phần lớn các khoản vay ngân hàng. Trong năm 2008, khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới gần 500 tỷ đồng, tăng 200 tỷ so với cuối năm trước và chiếm 50% tổng tài sản của Công ty. Đây cũng là lúc khởi đầu cho mọi rắc rối của Công ty về sau.

Lưu ý: Từ năm 2009-2015, công ty kinh doanh thua lỗ, các khoản lãi vay và tiền phạt không đưa vào chi phí. Sau năm 2015, ngân hàng ngừng cấp tín dụng mới cho Cadovimex, các khoản vay trở thành nợ khó đòi.

Năm 2009, lãi suất tăng mạnh gây áp lực lãi vay lên Cadovimex. Trước gánh nặng chi phí lãi vay, Công ty phải giảm bớt xuất khẩu, tự xoay sở kinh doanh bằng nguồn thu hạn hẹp từ cho thuê các dịch vụ xuất khẩu, nhận gia công thuê cho các đơn vị trong ngành. Điều này càng khiến quy mô hoạt động của Cadovimex thu hẹp.

Sau 2008, chi phí tài chính lên hơn 70 tỷ đồng, trong khi lãi ròng trong năm hoạt động bình thường của Công ty chỉ khoảng 20 tỷ đồng. (Sau năm 2015, ngân hàng ngừng cấp tín dụng mới cho Cadovimex, các khoản vay trở thành nợ khó đòi)

Do đó, Cadovimex chìm ngập trong thua lỗ, với khoản lỗ lớn nhất là 324 tỷ đồng trong năm 2011 (bằng với tổng tài sản của năm đó). Nhiều lần thay đổi ban lãnh đạo cũng không thể giúp Công ty thoát lỗ.

Cuối năm 2021, Công ty lỗ luỹ kế hơn 1,355 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 1,160 tỷ đồng.

Lãi mẹ đẻ lãi con và gánh nặng nợ gần 1,160 tỷ đồng

Thua lỗ liên tiếp cộng với việc không thể thu hồi nợ, Công ty dĩ nhiên không có tiền để trả nợ ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con, từ dư nợ gốc 426 tỷ đồng, Cadovimex giờ phải gánh gần 1,160 tỷ đồng lãi và nợ gốc tại các ngân hàng tại cuối năm 2021. Các ngân hàng cũng ngừng cấp khoản vay cho Cadovimex từ tháng 8/2015.

Nguồn: Cadovimex

Không có vốn, doanh nghiệp thuỷ sản này cũng không thể bảo dưỡng tu sửa nhà xưởng, máy móc thiết bị đã xuống cấp trầm trọng sau 20 năm sử dụng. Điều này khiến năng suất lao động không cao, tiêu thụ điện năng lớn, từ đó giá thành nhận gia công không mang lại lợi nhuận cho công ty.

Thậm chí, công ty cũng không có tiền để làm thủ tục gia hạn/làm mới các giấy phép cần thiết cho hoạt động kinh doanh như giấy phép về an toàn vệ sinh, an toàn lao động, kiểm định máy móc thiết bị… "Công ty cũng mất đi hàng loạt nhân sự giỏi trình độ cao, uy tín cũng như suy giảm trầm trọng về sức cạnh tranh trên thương trường", Cadovimex cho biết trong báo cáo thường niên.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CAD rơi không phanh từ đỉnh gần 20,000 đồng/cp về 1,500 đồng/cp. Hiện cổ phiếu này đang nằm trong diện hạn chế giao dịch.

Diễn biến giá cổ phiếu CAD

Mất khả năng thanh toán và cổ đông có nguy cơ mất trắng

Theo báo cáo thường niên 2021, Công ty cho biết hiện không có vốn thu mua, sản xuất và hoạt động hiện tại chủ yếu từ các dịch vụ cho thuê kho, thuế code, nhận hàng gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành.

Nếu chỉ là như thế, nguồn thu khó có thể trả lãi vay hàng năm của Công ty. Trong năm 2021, Cadovimex phải trả lãi vay tới 70 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ 22 tỷ đồng.

“Công ty hiện đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do không có khả năng thu hồi các khoản phải thu, nhưng lại chịu áp lực trả nợ từ các tổ chức tín dụng ngày càng cao. Cơ quan Thi hành án tỉnh liên tục nhắc nhở đề nghị thi hành bản án bằng biện pháp thanh lý tài sản còn lại của công ty”, Cadovimex cho biết.

Điều này có thể buộc Cadovimex phải ngừng hoạt động vĩnh viễn do bị cưỡng chế thi hành án với cơ sở sản xuất kinh doanh còn lại. “Các khoản đầu tư của các cổ đông sẽ hoàn toàn mất trắng mà còn gánh chịu một khoản nợ phải trả cực kỳ lớn ở trên”, Cadovimex cho biết.

Hiện nay, Cadovimex phải vay tiền của cổ đông để phục vụ sản xuất kinh doanh và đang trong quá trình thực hiện tìm kiếm nguồn lực mới và nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng hồi sinh Công ty.

Vũ Hạo

FILI