Một năm ‘chao đảo’ của doanh nghiệp thủy sản, kỳ vọng nào cho năm 2021?

Xuất khẩu đình trệ, thiên tai ảnh hưởng vùng nuôi, cùng với dịch Covid-19 khiến giá bán và sản lượng “dìu nhau” đi xuống… tất cả những khó khăn tạo thành một chuỗi liên tiếp ập đến khiến doanh nghiệp thủy sản chao đảo trong năm 2020.  

Một năm ‘chao đảo’ của doanh nghiệp thủy sản, kỳ vọng nào cho năm 2021?

Xuất khẩu đình trệ, thiên tai ảnh hưởng vùng nuôi, cùng với dịch Covid-19 khiến giá bán và sản lượng “dìu nhau” đi xuống… tất cả những khó khăn tạo thành một chuỗi liên tiếp ập đến khiến doanh nghiệp thủy sản chao đảo trong năm 2020.  

Theo VASEP, kết thúc năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8.41 tỷ USD, giảm 1.9%. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thủy sản trong năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 1.49 tỷ USD (giảm 26%) và giá trị xuất khẩu tôm đạt 3.73 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ).

Năm 2020, cả người nuôi và các nhà sản xuất cá tra tại Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ… đều bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau do đại dịch Covid-19. Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL cũng giảm xuống dưới 20,000 đồng/kg và giá trị xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ, ASEAN và EU giảm so với năm trước.

Đối với mặt hàng tôm, nhờ thành công trong việc kiểm soát tốt Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ. Các doanh nghiệp tôm cố gắng vừa duy trì sản xuất, linh hoạt chuyển hướng thị trường, tận dụng thời cơ, nhờ đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn tăng trưởng khả quan như Mỹ tăng 33%, EU tăng 6%, Hàn Quốc tăng 3% và Anh tăng 20% so với năm 2019.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, tính đến 02/02/2021, có 14 doanh nghiệp thủy sản niêm yết đã tạo ra gần 39,823 tỷ đồng doanh thu và hơn 1,723 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2020, lần lượt giảm 10% và 48% so với năm 2019.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của doanh nghiệp thủy sản. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSEACL) là đơn vị có lãi ròng năm 2020 sụt giảm mạnh nhất toàn ngành, giảm 80% so với năm trước, xuống còn 29 tỷ đồng. So với kế hoạch, ACL chỉ thực hiện được 71% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lãi trước thuế. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 5 tỷ đồng.

Tương tự, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá bán và doanh thu của Nam Việt (HOSEANV) đồng loạt giảm. Từ đó dẫn đến lãi ròng 2020 “đổ đèo”, xuống còn 202 tỷ đồng. Trong năm 2020, ANV đặt kế hoạch khá thấp so với con số thực hiện năm 2019, nhờ vậy, doanh nghiệp thủy sản này đã vượt 15% kế hoạch doanh thu và vượt 20% kế hoạch lãi trước thuế 2020. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm ngành thủy sản hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Cùng lý do, “ông lớn” ngành hàng cá tra Vĩnh Hoàn (HOSEVHC) báo lãi ròng 2020 đi lùi 40%, xuống còn 705 tỷ đồng. So với kế hoạch cao, VHC chỉ thực hiện được 82% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020. Chỉ số EPS của doanh nghiệp này cũng giảm từ hơn 6,000 đồng/cp xuống chỉ còn gần 3,900 đồng/cp.

Thê thảm hơn, năm thứ 2 lỗ liên tiếp đã nâng lỗ lũy kế của Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNXNGC) lên mức 31 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2020). Theo NGC, nguyên nhân là do tình trạng mất cân đối vốn chưa được khắc phục khiến tài chính công ty lâm vào tình trạng thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến Công ty càng khó khăn hơn khi các giao dịch với khách hàng nước ngoài bị gián đoạn, không có đơn hàng xuất khẩu, các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu gia công chế biến xuất khẩu cho khách hàng trong nước và nước ngoài bị hủy bỏ, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu từng bước đưa Nhà máy trở lại hoạt động trong năm 2020.

Hay doanh thu xuất khẩu giảm cũng là nguyên nhân chính yếu làm cho Thủy sản MeKong (HOSEAAM) chịu khoản lỗ gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng.

Ngành tôm có chút khởi sắc

Trái ngược với không khí ảm đạm của ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp tôm ghi nhận sự bứt phá về doanh thu. Mặc dù chỉ báo lãi ròng xấp xỉ năm trước, đạt gần 226 tỷ đồng nhưng doanh thu năm 2020 của Thực phẩm Sao Ta (HOSEFMC) đã cán mốc 4,415 tỷ đồng, cao kỷ lục sau 15 năm niêm yết trên sàn.

Nguồn: VietstockFinance

Theo đánh giá của Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch FMC, Covid-19 đã tạo cơ hội tốt cho tôm Việt. Chính phủ Việt Nam phòng chống Covid-19 cực tốt, không bị gãy đổ trong nền kinh tế. Tôm nuôi an toàn, sản lượng tăng hơn năm 2019, dù chỉ một con số. Trong khi đó, các cường quốc nuôi tôm khác bị Covid-19 tác hại nặng nề, gián đoạn hoặc gãy đổ chuỗi cung ứng nuôi tôm, nên sản lượng tôm nuôi các nước này đều giảm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… Giảm cung nên tiêu thụ tôm thuận lợi hơn, tuy nhiên, Covid-19 cũng tấn công thu nhập người lao động nên giá cả tiêu thụ chỉ ở mức trung bình.

Cùng gắn kết với con tôm, Camimex Group (HOSECMX) là doanh nghiệp duy nhất đại diện cho nhóm ngành thủy sản báo lãi tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 49% và 19% so cùng kỳ, lên gần 1,417 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.

Hiệp định FTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021

Theo VASEP, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Với những yếu tố tích cực từ những cơ hội Việt Nam có thể có và tận dụng được, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10%, đạt trên 9.4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn ở mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 15%, đạt 4.4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1.6 tỷ USD.

Theo đánh giá của ông Trần Minh Cảnh - Giám đốc tài chính ANV, hiệp định EVFTA và RCEP nhìn chung sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của hàng xuất khẩu Việt Nam do hưởng lợi thế được miễn giảm thuế nhập khẩu đối với một số ngành hàng.

Đối với RCEP, cho phép các nước thành viên cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Đây là điểm lợi thế hơn so với các FTA của ASEAN hiện tại, giúp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên cung đầu vào đa dạng trong toàn khối để xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối.

Đối với EVFTA, các sản phẩm cá tra đông lạnh sẽ được giảm thuế dần về 0% theo lộ trình 4 năm. Trước và cho đến khi EVFTA có hiệu lực 2 năm, Việt Nam vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi theo cơ chế GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập). Sự chênh lệch giữa 2 mức thuế này thực sự không đáng kể, nhất là trong năm đầu khi hiệp định có hiệu lực.

Còn theo Tiến sĩ Hồ Quốc Lực (Cựu chủ tịch VASEP, hiện đang là Chủ tịch FMC), EVFTA có tác động đến mặt hàng tôm rất lớn, một cơ hội vàng cho doanh nghiệp đã có chuẩn bị đón đầu từ xa.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng dự báo một số thách thức mà các doanh nghiệp phải trải qua trong năm 2021. Đối với mặt hàng tôm, thách thức nội tại là cơ quan chức năng phải nhanh tay hơn trong việc đánh số vùng nuôi, ao nuôi, cơ chế thông thoáng hơn trong hạn điền nhằm tạo những trang trại nuôi quy mô lớn, đạt chuẩn mà các thị trường yêu cầu (ASC, BAP). Qua đó, tôm Việt có thêm cơ hội thâm nhập các hệ thống tiêu thụ cao cấp, giá cả tiêu thụ tốt, tạo nền tảng nâng tầm tôm Việt.

Đối với mặt hàng cá tra, thông tin về tình hình cung cầu là tiên quyết cho thành bại của cá tra. Để từ đó có kế hoạch tính toán sản lượng, diện tích ao nuôi… nhằm tránh lệch pha cung cầu. Phải khẩn trương nâng cao trình độ chế biến, tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm mới, tiện ích người tiêu dùng….

Tiên Tiên

FILI