Ngành dược trước Covid-19: Buồn nhiều hơn vui

Những tưởng dịch bệnh sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu dược phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp ngành dược đạt được kết quả kinh doanh tích cực. Song thực tế chỉ có một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 2/2020.

Ngành dược trước Covid-19: Buồn nhiều hơn vui

Những tưởng dịch bệnh sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu dược phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp ngành dược đạt được kết quả kinh doanh tích cực. Song thực tế chỉ có một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 2/2020.

Theo thống kê của Vietstock, 17 doanh nghiệp dược niêm yết đã tạo ra gần 7,891 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 564 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 13% tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó, 6 đơn vị tăng trưởng lãi, 1 đơn vị chuyển lỗ sang lãi, 8 đơn vị sụt giảm lãi và 2 đơn vị thua lỗ trong quý 2/2020.

Những con số tăng trưởng đã vơi bớt

Có 6 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận so cùng kỳ gồm TRA, VDP, IMP, PPP, DMCDHG. Dễ thấy số lượng đơn vị báo lãi tăng đã vơi bớt phân nửa so với quý 1.

Những doanh nghiệp dược tăng lãi/chuyển lỗ sang lãi trong quý 2/2020

Traphaco (HOSE: TRA) có mức tăng trưởng lãi ròng quý 2 tốt nhất với 69%. Kết quả của TRA đến từ việc tiết giảm các khoản chi phí, nhất là chi phí bán hàng (giảm 20%). Dược Hậu Giang (HOSE: DHG)Dược phẩm Phong Phú (HNX: PPP) cũng có lợi nhuận đi lên 5% và 29% chủ yếu nhờ giảm chi phí, bất chấp doanh thu đi lùi so cùng kỳ.

Biên lãi gộp cải thiện cũng là điểm tích cực đối với VDP, IMPDMC. Điều này góp phần vào kết quả khả quan của các đơn vị này trong quý 2.

Biên lãi gộp của VDP, DMCIMP qua từng quý
Nguồn: VietstockFinance

Ở một diễn biến khác, Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL) có lãi ròng hơn 18 tỷ đồng trong quý 2 hoàn toàn nhờ việc tiết giảm chi phí. Trong đó, chi phí tài chính giảm 82% (tương ứng giảm hơn 10 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 23% (tương ứng giảm 7.5 tỷ đồng) so cùng kỳ. Doanh thu thuần của DCL giảm 18% so với quý 2 năm trước, ghi nhận gần 147 tỷ đồng.

Một thông tin mới đây là Cục Quản lý Dược đã yêu cầu DCL phối hợp với nhà phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi toàn bộ lô thuốc Detracyl 250 (Mephenesin 250 mg) không đạt tiêu chuẩn chất lượng tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, đang buôn bán loại thuốc này. DCL sẽ phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 06/09/2020.

Ngấm đòn đau từ Covid…

Quý 2/2020 ghi nhận có đến 8 đơn vị sụt giảm lãi ròng và 2 đơn vị thua lỗ. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết nhu cầu tiêu thụ dược phẩm sụt giảm trước tác động của dịch Covid-19. Có đến 8/10 đơn vị nhóm này ghi nhận doanh thu sa sút.

Những doanh nghiệp dược có lợi nhuận sụt giảm lãi/thua lỗ trong quý 2/2020
Nguồn: VietstockFinance

SPM (HOSE: SPM) chính là đơn vị báo lãi giảm nhiều nhất trong quý 2 với tỷ lệ 24%, bất chấp việc doanh thu và lãi gộp đều đi lên.

Tình thế của Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) không lạc quan hơn là bao. Doanh thu quý 2/2020 của DHT ghi nhận giảm 21%. Trong kỳ, doanh thu bán thành phẩm chiếm hơn 140 tỷ đồng và doanh thu bán hàng hóa chiếm hơn 256 tỷ đồng, lần lượt giảm sút 28% và 17%.

Dược phẩm Bến Tre (HNX: DBT) cho biết bên cạnh việc tăng chi phí kích cầu bán hàng, Công ty còn chủ động tăng chi phí vay tiền để tích trữ thêm nguồn hàng đối phó dịch Covid-19. Điều này dẫn đến kết quả trắng tay trong quý 2 của DBT, thậm chí, lỗ ròng nhẹ 2 triệu đồng.

Thê thảm nhất chính là Dược Lâm Đồng - Ladophar (HNX: LDP) khi thua lỗ hơn 13 tỷ đồng. Doanh thu và lãi gộp của LDP ghi nhận suy yếu tới 55% và 87% so cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của LDP từ năm 2016 đến nay. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Những tưởng dịch bệnh sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu dược phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp ngành dược nắm được cơ hội trở mình. Song, thực tế cho thấy điều đó chỉ đúng trong quý đầu năm khi dịch bệnh bất ngờ ập tới. Bước sang quý 2, khi người dân đã làm quen với cái tên Covid-19 thì nhu cầu cũng theo đó hạ nhiệt, đặc biệt là khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Một điểm bất lợi nữa là nguồn nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn. Nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất, lần lượt chiếm 63.7% và 16.7% tỷ trọng nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu năm 2019.

Dịch bệnh bùng phát đã khiến nhà máy sản xuất nguyên liệu bị gián đoạn cũng như việc mua bán, vận chuyển gặp trở ngại. Nếu diễn biến kéo dài, rất có thể một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đi tìm nguồn cung khác ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, chấp nhận giá thành cao hơn và làm giảm biên lãi gộp.

Trang thiết bị y tế tiếp tục bay cao

Thực tế, các sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong mùa dịch là khẩu trang và nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp ngành dược. Thị phần các sản phẩm này còn gặp sự cạnh tranh của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân,...

Doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế điển hình trên sàn là Y tế Danameco (HNX: DNM). Kết quả quý 2 của DNM vẫn tiếp đà lạc quan với lãi ròng 17.4 tỷ đồng, tăng đến 570% so cùng kỳ.

Chỉ trong nửa đầu năm, DNM đã mạnh dạn đầu tư thêm trên 78 tỷ đồng máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang tăng cao. Đấy là con số không hề nhỏ với một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 110 tỷ đồng. Công ty đã huy động thêm lượng lớn nợ vay. Tính đến cuối quý 2, vay và nợ thuê tài chính đã tăng gấp 2.7 lần so với đầu năm, lên mức 185 tỷ đồng.

DNM đã tích cực đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu khẩu trang tăng cao

Hưởng ứng tình hình kinh doanh lạc quan, cổ phiếu DNM đã ghi tên trong top 10 cổ phiếu niêm yết tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm với mức tăng 403%. Mới đây, cổ phiếu này lại dậy sóng trước những lo ngại về làn sóng Covid lần thứ 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DNM từ đầu năm 2020 đến nay. Đvt: Đồng
Nguồn: VietstockFinance

Duy Na

FILI