Ngành đường nhiều triển vọng tươi sáng

Phòng Phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) gần đây đã có báo cáo cơ hội đầu tư ngành mía đường. Giá đường tăng và chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước giành lại thị phần, mở rộng trở lại vùng trồng, cũng như cải thiện biên lợi nhuận. Agriseco Research đánh giá các cổ phiếu ngành đường vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.

Dịch vụ 

Ngành đường nhiều triển vọng tươi sáng

Phòng Phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) gần đây đã có báo cáo cơ hội đầu tư ngành mía đường. Giá đường tăng và chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước giành lại thị phần, mở rộng trở lại vùng trồng, cũng như cải thiện biên lợi nhuận. Agriseco Research đánh giá các cổ phiếu ngành đường vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.

Giá đường thế giới đang trong xu hướng tăng từ niên vụ 2020/2021 do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với sản lượng tại Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi. Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới niên vụ 2020/2021 khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu.

Niên vụ 2021/2022, sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh so với năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, sản lượng mía đường ở Brazil tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ 2020/2021, do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá, sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước.

Bên cạnh việc giá đường thế giới tăng mạnh và đang neo ở mức cao, ngành mía đường trong nước cũng được hưởng lợi nhờ chính sách bảo hộ áp lên đường Thái Lan. Sản lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế, chỉ đạt 6.1 nghìn tấn trong tháng 8, giảm 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm gần đây. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đạt 356.1 nghìn tấn, giảm 62% so với cùng kỳ 2020.

Các năm trước, giá đường xuống thấp và ngành đường nội địa không cạnh tranh được với đường giá rẻ nhập lậu cũng như đường Thái Lan sau khi hiệp định ATIGA được ký kết, làm cho diện tích và sản lượng liên tục sụt giảm. Niên vụ 2021/2022, dự kiến vùng trồng giảm nhẹ so với niên vụ trước, do thời điểm hiện tại không còn nhiều giống cũng như quỹ đất để mở rộng vùng trồng. Tuy nhiên, sản lượng mía dự kiến tăng 2%, nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đường đạt 8.6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước, để bù đắp nguồn cung đường bị thiếu hụt.

Agriseco Research đánh giá các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu, tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn, sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành.

Agriseco Reseach cũng dự báo giá đường tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro khi năng suất, quy mô đều thấp hơn so với Thái Lan. Thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố cần chú ý trong trung, dài hạn.

Một số cổ phiếu tiềm năng Agriseco Research đánh giá có nhiều cơ hội như CTCP Đường Quảng Ngãi (UpCOM: QNS) và CTCP Mía đường Sơn La (HNX: SLS).

FILI