Ngành hàng không - Phục hồi từ từ

Tỷ lệ tiêm vaccine ngày một cao cùng các biện pháp giãn cách được nới lỏng là những yếu tố chính thúc đẩy ngành hàng không của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phục hồi.

Ngành hàng không - Phục hồi từ từ

Tỷ lệ tiêm vaccine ngày một cao cùng các biện pháp giãn cách được nới lỏng là những yếu tố chính thúc đẩy ngành hàng không của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phục hồi.

Bùng phát dịch lần 4, số chuyến bay thấp kỷ lục

Ngành hàng không Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19, song đợt bùng phát dịch lần 4 hồi tháng 5/2021 với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh đã đẩy ngành hàng không Việt Nam vào thời kỳ “u ám” nhất từ trước đến nay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, cùng nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 đã khiến cho sản lượng khai thác của các hãng hàng không sụt giảm mạnh. Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ thực hiện được 105,384 chuyến bay, tương ứng với mức giảm 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động hàng không bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 5/2021, song đỉnh điểm là các tháng 8/2021 và tháng 9/2021. Cụ thể, ghi nhận trong tháng 9/2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 18,000 khách, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế đạt 6,000 khách, giảm 64%; nội địa đạt 12,000 khách, giảm 99%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 13.3 triệu khách, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế là 103,000 khách, giảm 96%; nội địa là 13.2 triệu khách, giảm 35%.

Số lượng chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam. Đvt: Chuyến

Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Tỷ lệ tiêm vaccine và nới lỏng giãn cách giúp phá băng ngành hàng không

Một ví dụ khá điển hình cho kịch bản phục hồi là khu vực Châu Âu. Tại Châu Âu, ngành hàng không của châu lục này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do các làn sóng lây nhiễm Covid-19 dồn dập, lưu lượng hàng không bị giảm mạnh do các hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, việc triển khai chứng nhận sức khoẻ điện tử cùng tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng nhanh chóng trên khắp châu lục đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi trong thời gian ngắn của ngành hàng không khu vực này.

Các biện pháp nới lỏng biên giới và cách ly giúp các chuyến bay trong khu vực này được lấp đầy và mang lại nguồn doanh thu dồi dào cho các hãng bay. Giờ đây công suất hàng không ở Châu Âu đã trở về mức 2/3 so với thời điểm trước dịch.

Số lượng chuyến bay của các hãng hàng không Châu Âu

Nguồn: Eurocontrol

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Châu Âu

Nguồn: ECDC

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cũng đã khiến các doanh nghiệp hàng không “lao đao” trong gần 2 năm qua. Hoạt động bay liên tục sụt giảm qua các đợt bùng dịch, doanh thu lao dốc và nhiều hãng bay thua lỗ.

Tuy nhiên hiện diễn biến dịch bệnh đã lắng xuống, các ca nhiễm mới đều ở mức thấp. Mặt khác, chương trình tiêm phòng Covid-19 cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 16/10, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 60,518,594 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 42,896,644 liều, tiêm mũi 2 là 17,621,950 liều. Trong đó, TP Hồ Chí Minh (địa phương có hoạt động bay nhộn nhịp nhất cả nước) đã có 12,540,079 lượt người trên 18 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó 7,108,234 lượt người được tiêm mũi 1 và 5.431.683 lượt người được tiêm mũi 2. Số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đã đạt 98.60% và mũi 2 đạt 75.35%.

Tỷ lệ tiêm đủ liều Vaccine Covid-19 toàn cầu tại ngày 16/10/2021

Nguồn: Our World in Data

Tỷ lệ tiêm chủng được nâng cao và các biện pháp nới lỏng đi lại là hai yếu tố chính giúp ngành hàng không sẽ sôi động trở lại. Mặt khác, việc triển khai “Hộ chiếu Vaccine” cũng sẽ giúp Việt Nam nối lại các tuyến đường bay quốc tế.

Ngành xấu nhưng sẽ ít xấu đi

Về cơ bản thì sẽ có hai kiểu đầu tư cổ phiếu. Kiểu thứ nhất là đầu tư vào những cổ phiếu tốt và kỳ vọng chúng sẽ tốt hơn. Kiểu thứ hai là nắm giữ những phiếu xấu và kỳ vọng tình hình tài chính, kinh doanh sẽ ít xấu đi.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dù ngành hàng không sẽ tiếp tục chịu thua lỗ trong năm 2022. Song, con số thua lỗ được dự báo thấp hơn nhiều so năm 2021 khi mà nhiều quốc gia áp dụng chiến lược “sống chung với dịch”, mở cửa giao thương...

Theo số liệu từ IATA thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi với triển vọng tích cực tốt thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Bắc Mỹ. Ngành hàng không Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ yếu tố chung này. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng không như CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN)… sẽ bắt đầu có sự phục hồi trong thời gian tới.

Dự báo lợi nhuận của ngành hàng không. Đvt: Tỷ USD

Nguồn: IATA

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI