Ngành thép giữa trận cuồng phong

Một trận cuồng phong đang nhấn chìm ngành thép vào cơn bĩ cực, nhưng có còn bất ngờ không khi ai cũng truyền tai nhau nhận định bi quan của Chủ tịch Hòa Phát lâu nay. Câu hỏi nên đặt ra lúc này là: Cơn cuồng phong bao giờ mới ngừng thổi?

Ngành thép giữa trận cuồng phong

Một trận cuồng phong đang nhấn chìm ngành thép vào cơn bĩ cực, nhưng có còn bất ngờ không khi ai cũng truyền tai nhau nhận định bi quan của Chủ tịch Hòa Phát lâu nay. Câu hỏi nên đặt ra lúc này là: Cơn cuồng phong bao giờ mới ngừng thổi?

Lời tiên tri ứng nghiệm

Bức tranh ngành thép quý 2 đầy những gam màu u ám. Phần lớn ông lớn ngành thép báo lãi giảm cực mạnh từ 70-90% so với cùng kỳ, thậm chí một số doanh nghiệp báo lỗ.

Doanh thu thuần và lãi ròng của doanh nghiệp thép quý 2

Đvt: tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát chứng kiến lãi ròng “bốc hơi” gần 60% về mức hơn 4 ngàn tỷ đồng. Ở mảng tôn mạ, Nam Kim, Hoa Sen và Tôn Đông Á cũng ghi nhận lãi giảm tới 80%. Thậm chí có tới 4 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2 là POM, KKC, TDSTVN. Riêng VGS báo lãi tăng nhờ các khoản lợi nhuận khác ngoài ngành thép.

Nguyên nhân là vì đà giảm kéo dài của giá thép đã kéo tụt biên lợi nhuận của toàn ngành.

Diễn biến giá thép và sự thay đổi về biên lãi gộp

Trong quý 2, giá thép giảm sâu và báo trước điềm chẳng lành cho cả ngành. Ở thị trường nội địa, giá thép xây dựng đã giảm lần thứ 13 trong gần 3 tháng, trong khi giá thép HRC – nguyên liệu sản xuất tôn mạ – cũng rơi về dưới 600 USD/tấn, giảm sâu so với mức đỉnh gần 1,000 USD/tấn.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Riêng tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản như “dội thêm lửa” vào những doanh nghiệp ngành thép.

Bên cạnh giá thép, nguyên nhân còn đến từ sự tăng mạnh của giá nguyên liệu đầu vào (như trường hợp của HPGCBI), lỗ tỷ giá (như HPG, POM, HSG, VGS), đà tăng của cước vận tải biển hay thậm chí là lỗ cổ phiếu (như TLH).

Và “Ngài thị trường” – vốn rất nhạy trước những thông tin tiêu cực – đã phả hơi nóng vào những cổ đông ngành thép ngay cả khi con số tài chính quý 2 vẫn chưa lộ rõ. Từ đầu quý, hầu hết cổ phiếu thép đều “cắm đầu” và giảm 30-40% trong giai đoạn tháng 4-6/2022. Đáng chú ý, vốn hóa HPG có lúc “bốc hơi” gần 130 ngàn tỷ đồng so với đỉnh.

Diễn biến cổ phiếu thép từ tháng 4

Cuồng phong sẽ tiếp tục rít mạnh trong quý 3?

Quý 2 tuy ảm đạm, nhưng đã là quá khứ. Hãy nhớ rằng dù phảng phất quá khứ và hiện tại nhưng tương lai mới là thứ thị trường chứng khoán hướng đến.

Câu hỏi quan trọng đặt ra ngay lúc này là viễn cảnh u ám có kéo dài? Với Chủ tịch Hòa Phát, sự ảm đạm có thể tiếp diễn tới quý 4.

Tuy nhiên, mọi dự báo cũng chỉ mang tính tham khảo và tương đối mong manh trong bối cảnh mọi thứ thay đổi nhanh chóng và xuất hiện nhiều biến cố bất ngờ (như cuộc chiến Nga-Ukraine, bùng phát dịch).

Trước mắt, nhà đầu tư có nhiều lý do để ái ngại về triển vọng lợi nhuận của ngành thép.

Rủi ro lớn nhất vẫn nằm ở đà giảm của giá thép – vốn đã tiếp tục nối dài sang quý 3 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo SSI research, giá thép xây dựng có thể tiếp tục chịu áp lực trong quý 3 do yếu tố mùa vụ, trong khi giá thép HRC bị đè nén vì nhu cầu thấp.

Kế đó là núi hàng tồn kho cao ngất ngưỡng của các doanh nghiệp thép. Cuối quý 2/2022, HPG đang nắm giữ tới gần 58 ngàn tỷ đồng hàng tồn kho, NKG giữ 8.4 ngàn tỷ, còn HSG đang nắm trong tay 12 ngàn tỷ. Khi giá thép lao dốc, các doanh nghiệp cũng tăng khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Với HPG, khoản dự phòng đã tăng từ 236 tỷ đồng (đầu năm) lên 762 tỷ đồng tại cuối tháng 6, còn TVN cũng tăng lên 142 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Đồng thời, lượng tiêu thụ thép lại ngày càng giảm ở cả trong và ngoài nước. Tính chung quý 2/2022, tiêu thụ thép thành phẩm nội địa đạt 7 triệu tấn, giảm 3.7% so với cùng kỳ, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Nhìn về cuối năm, các chuyên viên phân tích tại SSI Research dự báo nhu cầu thép trong nước sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Chính phủ đối với thị trường bất động sản.

Tiêu thụ thép nội địa

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Trong khi đó, nhu cầu ở nước ngoài cũng không còn cao như trước. Theo dữ liệu mới nhất của VSA, trong tháng 5/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 743 ngàn tấn, giảm 23.57% so với tháng trước và giảm 24.2% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu từ VSA.

Giữa lúc nhu cầu yếu ớt, doanh nghiệp sẽ bị mắc kẹt với đống hàng tồn kho giá cao và có thể sẽ phải bán với giá chiết khấu. “Triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám. Đa phần các nhà máy đều ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau”, VSA nhận định.

Vì thế nhà đầu tư có lý do để tin rằng cơn cuồng phong vẫn tiếp tục rít mạnh ít nhất là trong quý 3/2022.

Tuy nhiên, nhìn ở một chiều hướng khác, doanh nghiệp thép, sau 2 năm kinh doanh bùng nổ, đã nắm trong tay một lượng tiền dồi dào để chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Vũ Hạo

FILI