Nghịch lý giá cổ phiếu Siêu Thanh

Cổ phiếu bật tăng khi gia đình Chủ tịch “tháo chạy”

CTCP Siêu Thanh (mã ST8) thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi cổ phiếu bật tăng trong bối cảnh gia đình Chủ tịch HĐQT Công ty đồng loạt muốn thoái vốn.

Theo đó, từ ngày 9/1 đến ngày 6/2/2023, bà Phạm Thị Mai Duyên, vợ Chủ tịch HĐQT, ông Yung Cam Meng đăng ký bán toàn bộ 10.289.693 cổ phiếu ST8. Trong khi đó, em trai Chủ tịch, ông David Cam Hao Ong đăng ký bán toàn bộ 6.421.767 cổ phiếu.

Nếu giao dịch thành công, hai người thân của Chủ tịch HĐQT Yung Cam Meng sẽ bán ra 65% vốn điều lệ tại CTCP Siêu Thanh, đồng nghĩa mất quyền chi phối tại Công ty.

Tính tới cuối năm 2021, CTCP Siêu Thanh có 3 cổ đông lớn, gồm bà Phạm Thị Mai Duyên (sở hữu 40,01% vốn điều lệ), ông David Cam Hao Ong (sở hữu 24,97% vốn điều lệ), ông Yung Cam Meng (sở hữu 23,77% vốn điều lệ); còn lại (11,26%) thuộc về nhóm cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, 2 thành viên HĐQT là bà Hoàng Thị Thanh Hoa và ông Nguyễn Văn Đại đăng ký mua tổng cộng 3,35 triệu cổ phiếu ST8, tương ứng 13% vốn điều lệ Công ty.

Mặc dù gia đình Chủ tịch có dấu hiệu “tháo chạy” khi đăng ký bán tới 65% vốn điều lệ tại CTCP Siêu Thanh, nhưng giá cổ phiếu lại có dấu hiệu đi ngược chiều. Theo đó, từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023, cổ phiếu ST8 đã tăng tới 23,3%, từ 7.650 đồng lên 9.430 đồng/cổ phiếu và sau đó đi ngang.

Được biết, trước khi bật tăng trở lại, từ ngày 27/7/2022 đến ngày 30/12/2022, cổ phiếu ST8 đã giảm 57,7%.

Siêu Thanh còn lại gì sau chi cổ tức khủng và bán phần lớn tài sản?

Ngày 18/11/2022, CTCP Siêu Thanh đã thông qua kết quả chuyển nhượng bất động sản trị giá 312,7 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành chuyển nhượng bất động sản tại Vũng Tàu cho CTCP Thiết bị văn phòng Siêu Thanh với giá trị 12,8 tỷ đồng, đồng thời chuyển nhượng bất động sản tại quận 8 cho ông Võ Tấn Thịnh trị giá 299,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng thông qua chuyển nhượng CTCP Thiết bị văn phòng Siêu Thanh cho bà Trần Ngọc Bích Phương trị giá 112,3 tỷ đồng; chuyển nhượng CTCP Ô tô Kim Thanh cho ông Nguyễn Văn Cựu với giá 36,7 tỷ đồng; chuyển nhượng CTCP Nam Thanh Sài Gòn cho ông Thân Trọng Ngọc với giá 7 tỷ đồng; chuyển nhượng CTCP Đầu tư kinh doanh Điện lực TP.HCM với giá hơn 3 tỷ đồng.

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất gần nhất (6 tháng đầu năm 2022), CTCP Siêu Thanh cho biết, doanh thu ghi nhận 904,3 tỷ đồng, tăng 123,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 206,9 tỷ đồng, tăng 31,94 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18% lên 36,5%.

Trong cơ cấu doanh thu, Công ty bất ngờ ghi nhận doanh thu bán bất động sản đầu tư 292,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ không ghi nhận. Ngoài ra, Công ty cũng lý giải lợi nhuận đột biến do việc chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính tại công ty con và bất động sản tại Vũng Tàu và quận 8 (TP.HCM).

Với việc ghi nhận lợi nhuận đột biến, ngày 27/7/2022, CTCP Siêu Thanh đã chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt lên tới 85%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận 8.500 đồng. Với 25,72 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CTCP Siêu Thanh đã trả tổng cộng 218,63 tỷ đồng cho cổ đông trong lần trả cổ tức tạm ứng này.

Trước đó, CTCP Siêu Thanh có lịch sử chia cổ tức không quá lớn cho cổ đông. Trong đó, năm 2018 trả cổ tức 15%, năm 2019 trả cổ tức 10%, năm 2020 trả cổ tức 5% và năm 2021 trả cổ tức 6% cho cổ đông.

Được biết, tính tới ngày 30/9/2022, CTCP Siêu Thanh sở hữu 250,1 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 164 tỷ đồng so với đầu năm 2022 và chiếm 39,7% tổng tài sản.

Việc bán tài sản, thoái vốn tại các đơn vị thành viên giúp CTCP Siêu Thanh tăng lượng tiền mặt trong năm, đồng thời Công ty cũng lấy gần hết lượng tiền mặt để tạm ứng cho cổ đông. Nếu như không có nguồn tiền khác bổ sung, lượng tiền mặt dự kiến cuối năm 2022 của Công ty còn không đáng kể.

Ngoài ra, việc bán bất động sản cho ông Võ Tấn Thịnh trị giá 299,9 tỷ đồng, tính tới ngày 30/6/2022 cũng đồng thời xuất hiện thêm khoản phải thu của ông Võ Tấn Thịnh là 269,91 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận, tương ứng chiếm 42,8% tổng tài sản của CTCP Siêu Thanh. Như vậy, nhiều khả năng, Công ty đã bán chịu dự án bất động sản cho ông Võ Tấn Thịnh và chưa thu tiền.

Được biết, tính tới ngày 30/6/2022, tài sản của CTCP Siêu Thanh chủ yếu là các khoản phải thu (bên thứ ba) với 336,7 tỷ đồng, chiếm 53,4% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 250,1 tỷ đồng, chiếm 39,7% tổng tài sản. Tính chung, hai khoản mục này chiếm tới 93,1% tổng tài sản.

Có thể thấy, sau bán bất động sản đang sở hữu, cũng như bán vốn ở hàng loạt công ty thành viên cho bên thứ ba, tài sản đáng của CTCP Siêu Thanh không còn đáng kể. Bên cạnh đó, một lượng tiền lớn tích lũy được chia cho cổ đông. Câu hỏi đặt ra là, Công ty còn lại gì sau những động thái này?

Xem thêm tại baodautu.vn