Nguồn vốn IPO Đông Nam Á sụt giảm mạnh nửa cuối năm 2023

Theo KrASIA, tổng số vốn huy động thông qua IPO tại khu vực Đông Nam Á đã giảm hơn 60% trong nửa cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Nhiều công ty e ngại niêm yết tại thời điểm này do một số yếu tố ngoại cảnh như cuộc bầu cử trong nước hay nền kinh tế chưa có dấu hiệu ổn định của Trung Quốc.

Dữ liệu IPO tại Đông Nam Á được Nikkei Asia hợp tác với công ty nghiên cứu Dealogic đến từ Hoa Kỳ phân tích cho thấy có tổng cộng 1,6 tỷ USD được huy động trong nửa cuối năm ngoái, giảm 63% so với thời điểm tương ứng năm 2022. Số lượng IPO giảm 21%, đạt mức 71 công ty lên sàn.

THÁI LAN VÀ INDONESIA CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ NHẤT

Thái Lan ghi nhận mức giảm lớn nhất khu vực, tổng vốn thông qua IPO giảm mạnh 75% xuống còn 773 triệu USD. “Không có cái tên lớn nào gia nhập thị trường, đặc biệt trong nửa cuối năm. Đó là kết quả của động thái trì hoãn thành lập thế hệ lãnh đạo mới sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2023, khiến các nhà đầu tư mất niềm tin”, ông Natthapol, nhà phân tích tại Yuanta Securities Thái Lan, nhận định. Số lượng IPO “sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế, nếu nền kinh tế khởi sắc, sẽ có nhiều đợt IPO hơn vào năm 2024”, ông tiếp tục.

Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị trong nước.

Tâm trạng “chờ đợi mòn mỏi” cũng bao trùm toàn bộ doanh nghiệp Indonesia trước cuộc bầu cử Tổng thống quốc gia vào tháng 2 năm nay, với số lượng đợt IPO từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023 giảm từ 42 xuống còn 31. Thậm chí, Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia (IDX) dự kiến ​​chỉ hơn 60 công ty sẽ IPO vào năm 2024, giảm so với 79 công ty trong cả năm 2023. Viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra khi các nhà đầu tư sẵn sàng đứng ngoài cuộc cho đến khi hiểu rõ hơn về chính sách kinh tế của chính quyền mới.

SUY THOÁI TẠI TRUNG QUỐC ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHU VỰC

Tình hình suy thoái tại Trung Quốc cũng tạo ra bóng đen kéo dài. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tầm ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á, đặc biệt là đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong khu vực.

Siam Cement Group (SCG), tập đoàn vật liệu xây dựng hàng đầu Thái Lan, đang trì hoãn IPO cho công ty con chuyên về hóa chất. Đợt chào bán dự kiến ​​sẽ huy động được 38,5 tỷ THB (1,08 tỷ USD), trở thành một trong những đợt niêm yết lớn nhất từ ​​trước đến nay của đất nước, ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2022, nhưng đã liên tục trì hoãn trước những khó khăn kinh tế toàn cầu. Giám đốc Điều hành Thammasak Sethaudom cho biết cần thêm thời gian để cân nhắc quyết định vì IPO ngay bây giờ sẽ không mang lại lợi nhuận với bối cảnh phức tạp hiện tại.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG 

Một điểm sáng chính là nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục tiến hành IPO vào nửa cuối năm 2023 với hy vọng tăng trưởng trong bối cảnh một số quốc gia Đông Nam Á thực hiện hướng đi mang tính bước ngoặt như áp dụng mục tiêu khử cacbon.

Các doanh nghiệp tiêu dùng cũng sẵn sàng huy động vốn trong bối cảnh chi tiêu tư nhân tăng cao.

Công ty phát triển năng lượng tái tạo Barito Renewables đến từ Indonesia đã có màn IPO ấn tượng nhất trong giai đoạn này. Dưới sự bảo trợ của Barito Pacific, tập đoàn kinh doanh tên tuổi tại Indonesia, công ty đã huy động được khoảng 200 triệu USD bằng cách bán 3% số cổ phiếu đang lưu hành.

Barito Renewables hiện vận hành ba nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất 890.000 kilowatt trên đảo Java. Công ty cũng quyết định mua lại một trang trại gió trên đảo Sulawesi. Với công suất 75.000 kilowatt, trang trại trở thành một trong những nhà máy điện gió lớn nhất Indonesia.

Barito Renewables cũng thu hút sự chú ý do giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư hy vọng về tiềm năng tăng trưởng của công ty. Vốn hóa thị trường của Barito Renewables đạt 130 nghìn tỷ IDR (8,23 tỷ USD) vào ngày niêm yết, nhưng đã tăng gấp 5 lần lên 672 nghìn tỷ IDR (42,5 tỷ USD), tính đến ngày 29/1.

Nusantara Sejahtera Raya, tổ chức điều hành hệ thống rạp chiếu phim hàng đầu Indonesia, đã huy động được số vốn lớn thứ hai trong giai đoạn. Hiện đang quản lý hơn 200 rạp chiếu phim trên toàn quốc, công ty đặt mục tiêu sử dụng vốn huy động từ IPO để tăng số lượng rạp chiếu cán mốc 2.000 rạp trong vòng vài năm tới.

Thái Lan là quốc gia gây quỹ mạnh mẽ nhất, với 6 công ty nằm trong danh sách top 10 thu hút nhà đầu tư.

Nguồn vốn IPO Đông Nam Á sụt giảm mạnh nửa cuối năm 2023 - Ảnh 1

SCG Decor, công ty con đến từ SGC chuyên sản xuất gạch và nội thất phòng tắm, đã huy động được 145 triệu USD thông qua IPO, đánh dấu đợt IPO lớn nhất trong số các công ty Thái Lan lên sàn nửa cuối năm. Do dân số Thái Lan đang có dấu hiệu già hoá và dự kiến ​​sẽ không tăng mạnh, SCG Decor lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn để mở rộng sang một số thị trường lân cận như Indonesia và Việt Nam.

Cũng tại Thái Lan, một số công ty liên quan đến ngành hàng không đã đẩy mạnh IPO. Những cái tên đáng chú ý bao gồm Asia Network International, đại lý bán hàng tổng hợp cho các hãng hàng không. Trong khi Samart Corp., tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông, đã niêm yết công ty con Samart Aviation Solutions chuyên cung cấp công nghệ hàng không tại Campuchia.

Malaysia, quốc gia đứng thứ ba về cả giá trị và số lượng IPO, cũng chứng kiến nhà sản xuất thiết bị CPE Technology và 14 công ty khác chào sân trong nửa cuối năm. Ông Wong Kar Choon, đối tác kiểm toán tại Deloitte Malaysia, cho biết: “Một làn sóng IPO đáng chú ý dự kiến ​​sẽ diễn ra vào năm 2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu bán lẻ và tái cơ cấu tổ chức lành mạnh, đặc biệt là đối với ngành tiêu dùng và công nghệ hoặc liên quan đến công nghệ”.

Một số chuyên gia dự báo rằng không gian IPO sẽ cải thiện vào năm 2024 khi đợt tăng lãi suất toàn cầu diễn ra. PwC nhấn mạnh trong báo cáo đầu năm nay rằng thị trường IPO ở Đông Nam Á sẽ “tăng trưởng và hồi phục” vào năm 2024, nếu “nền kinh tế vĩ mô tổng thể ổn định, đặc biệt là môi trường lãi suất”.

Xem thêm tại vneconomy.vn