Nguyên nhân nào khiến TNS bị hạn chế giao dịch?

CTCP Thép tấm lá Thống nhất (UPCoM: TNS) vừa có văn bản giải trình nguyên nhân bị hạn chế giao dịch.

Nguyên nhân nào khiến TNS bị hạn chế giao dịch?

CTCP Thép tấm lá Thống nhất (UPCoM: TNS) vừa có văn bản giải trình nguyên nhân bị hạn chế giao dịch.

Theo đó, cổ phiếu TNS bị hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM là do Công ty bị âm gần 6 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán. Trong đó, TNS có lỗ lũy kế cuối năm 2019 lên đến 207 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ ở mức 200 tỷ đồng.

Theo TNS, yếu tố dẫn đến việc âm vốn chủ sở hữu xuất phát từ sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ giảm nên doanh thu của TNS giảm so với năm 2018. Trong đó, giá bán CRC và giá gia công không tăng, chênh lệch giữa giá bán và giá nguyên vật liệu thấp dẫn đến hoạt động kinh doanh không đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính cao cũng là nguyên nhân do nợ tín dụng ngân hàng xếp nợ nhóm 5, lãi phạt 150% khi không có dòng tiền để thanh toán đúng hạn.

Hơn nữa, chỉ tiêu điện năng tăng 12.3% chủ yếu là do sản lượng sản xuất của quý 1 và quý 4 chỉ đạt trung bình là 4,900 tấn/tháng nên thời gian ngừng máy nhiều, trong khi đó vẫn duy trì hoạt động hệ thống phụ trợ để cấp nhiệt cho dầu cán. Mặt khác, khi dây chuyền cán dừng lâu do không có đơn hàng thì khi chạy lại phải chạy tốc độ chậm để làm nóng hệ thống.

Về kết quả kinh doanh năm 2019, với sản lượng sản xuất giảm 21% so với cùng kỳ trong khi chi phí và giá thành tăng 18% so với năm 2018, đồng thời sản lượng tiêu thụ giảm 19% so với cùng kỳ nên doanh thu giảm 34%. Thêm nữa là giá mua nguyên vật liệu liên tục biến động, giá gia công thấp trong khi sản lượng sản xuất giảm khiến giá thành cao dẫn đến TNS ôm lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn có ý kiến ngoại trừ đối với một số khoản mục trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của TNS.

Cụ thể, theo đơn vị kiểm toán, TNS chưa thực hiện ghi nhận chi phí lãi vay phải trả Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP và chi phí lãi chậm trả với Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - Vnsteel lũy kế đến 31/12/2019 là hơn 33 tỷ đồng. Trong đó, chi phí năm 2015, năm 2017, năm 2018 và năm 2019 chưa ghi nhận lần lượt là 10 tỷ đồng, 8.4 tỷ đồng, 7.8 tỷ đồng và 7.7 tỷ đồng. Điều này dẫn đến chỉ tiêu chi phí phải trả trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2019 đang phản ánh thiếu và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang phản ánh thừa với cùng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Và chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 đang phản ánh thừa số tiền là 7.7 tỷ đồng.

Tại BCTC năm 2017 và 2016 của TNS, kiểm toán đưa ý khiến ngoại trừ về việc TNS chưa có cơ sở trích dự phòng phải trả liên quan đến tổn thất có thể phát sinh khi thực hiện các hợp đồng 01,02,03/HDMB-2016-TNFS với Công ty tôn Phương Nam với tổng giá trị lần lượt là 5 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Trong năm 2018, Công ty đã tiến hành hoàn nhập toàn bộ khoản dự phòng phải trả với số tiền hơn 12 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh năm 2018 mà không thực hiện điều chỉnh hồi tố sai sót trên vào kết quả kinh doanh các năm trước. Điều này dẫn đến trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu giá vốn hàng bán năm 2018 đang phản ánh thiếu hơn 12 tỷ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, một số khoản vay đến hạn trả của TNS sẽ phải thanh toán trước thời điểm 31/12/2020, trong khi BCTC năm 2019 cho thấy Công ty đang còn nợ vay đã quá hạn chưa thanh toán gần 88 tỷ đồng, khả năng thanh toán nhanh là 0.07, cũng như Công ty đang lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu 6.6 tỷ đồng và chưa đạt được thỏa thuận mới đáng kể nào về việc giãn nợ. Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng, Công ty sẽ chưa thể thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong điều kiện hoạt động như hiện tại. Các dấu hiệu trên cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TNS.

Khang Di

FILI