Nhiều cổ phiếu thép nối dài ngày vui dù thị trường giảm điểm

Sắc xanh, tím luôn hiện diện ở một số cổ phiếu thép bất chấp sự rung lắc trên thị trường. Với những ai đã mạnh dạn bắt đáy cổ phiếu thép, họ có thể lãi tới vài chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn ngủi.

Nhiều cổ phiếu thép nối dài ngày vui dù thị trường giảm điểm

Sắc xanh, tím luôn hiện diện ở một số cổ phiếu thép bất chấp sự rung lắc trên thị trường. Với những ai đã mạnh dạn bắt đáy cổ phiếu thép, họ có thể lãi tới vài chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn ngủi.

Trong phiên chỉ số VN-Index giảm gần 9 điểm, nhiều cổ phiếu thép vẫn tăng, thậm chí tăng trần và là nhóm “cố gắng” níu giữ lại sắc xanh cho thị trường.

Đáng chú ý, cổ phiếu HSG ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, trong khi NKG cũng “xém” lập thành tích tương tự.

Nhiều cổ phiếu thép khác cũng tăng rất mạnh trong phiên 21/11, VGS tăng gần 10%, TIS vọt 11% và TLH tăng gần 5%. Các cổ phiếu khác nếu giảm cũng giảm nhẹ.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu thép đã tăng mạnh từ ngày 15/11, ngay trước khi thị trường chung khởi sắc trở lại. Chỉ trong 4 phiên qua, cổ phiếu VGS đã leo dốc 43%, HSGNKG vọt 31%, ngay cả HPG cũng tăng gần 20%.

Hiện vẫn chưa có lý do gì để giải thích cho sự trở lại mạnh mẽ của các cổ phiếu thép. Phải chăng đà tăng chỉ diễn ra do giá cổ phiếu đã giảm quá sâu và hồi phục kỹ thuật hay nhà đầu tư cho rằng đà giảm sâu trước đó đã phản ánh hết sự ảm đạm của ngành thép?

Nhìn về tình hình ngành thép hiện tại, khó có lý do để tỏ ra lạc quan khi nhu cầu yếu ớt và các công ty thép tồn kho quá lớn.

Theo quy luật, thị trường thép thường sẽ sôi động thời điểm cuối năm, đó là lúc ngành xây dựng “vào mùa”. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ thép hiện tại rất ảm đạm do thị trường bất động sản hiện đang “đóng băng”.

Tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thép xây dựng tại Hà Nội như Đội Cấn, La Thành, Dịch Vọng… ghi nhận tình hình giao dịch không mấy khả quan. Sức mua giảm từ 30% - 50% so với cùng kỳ những năm trước, giá thép cũng giảm mạnh so với thời điểm đầu năm.

Kallanish dẫn một nguồn tin từ Hà Nội cho biết các nhà máy thép dẹt vẫn trữ tồn kho thép cuộn cán nóng (HRC), thép cuộn cán nguội (CRC), thép mạ và ống thép rất lớn. Người này cho biết hầu hết nhà máy thường chỉ dự trữ hàng tồn kho cho 2 tháng, nhưng trong môi trường ảm đạm hiện tại, họ đang nắm giữ tới 4 tháng hàng tồn kho hoặc hơn thế. Nhu cầu thép thành phẩm đã giảm hơn 50%, ông nói thêm.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy, trong tháng 10/2022, tiêu thụ thép các loại đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7.19 % so với tháng trước và giảm 9.9% so với cùng kỳ. Nhiều ông lớn trong ngành thép đã báo lỗ nặng trong quý 3, đồng thời quyết định cắt giảm sản lượng để vượt khủng hoảng.

Vũ Hạo

FILI