Nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nặng

2022 là một năm khó khăn bủa vây với các doanh nghiệp bất động sản, khi tình trạng pháp lý ở nhiều dự án tiếp tục bế tắc; khó huy động vốn trong bối cảnh "siết" tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, kênh trái phiếu bế tắc do ảnh hưởng tâm lý từ các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao tại Tân Hoàng Minh Group, Vạn Thịnh Phát Group. Ngoài ra, chứng khoán cũng không thể đóng vai trò là kênh hút vốn hiệu quả do VN-Index liên tục điều chỉnh….

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, với bối cảnh gặp nhiều thách thức, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2022 phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động…

Những khó khăn này phần nào đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh trong quý IV/2022 nói riêng và cả năm 2022 của nhóm bất động sản.

Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, hoặc ghi nhận những con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Tính riêng quý IV/2022, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) lỗ sau thuế 460 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 lãi 245 tỷ đồng. Đây là mức lỗ cao nhất của DXG kể từ khi lên sàn. Lũy kế cả năm 2022, DXG đạt 5.581 tỷ đồng doanh thu thuần và 469 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 45% và 71% so với kết quả năm 2021.

Một “ông lớn” khác là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) ghi nhận lỗ ròng 267 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây cũng là lần đầu tiên PDR báo lỗ kể từ năm 2011.

Trong cả năm 2022, PDR đạt 1.505 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 1.146 tỷ đồng. Như vậy, PDR đã hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận.

Tương tự, CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) cũng lỗ sau thuế gần 39 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là lần đầu tiên LDG kinh doanh thua lỗ kể từ quý III/2016. LDG cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí tài chính tăng cao. Luỹ kế cả năm 2022, LDG đạt 276 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 4 tỷ đồng.

Xét cả năm 2022, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư (Fideco – HoSE: FDC) là doanh nghiệp bất động sản lỗ nặng nhất, với mức âm gần 197,6 tỷ đồng – con số lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do trong quý IV/2022 công ty trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi của CTCP Dệt may Liên Phương (199,2 tỷ đồng). Tại ngày lập BCTC, công ty cho biết đang tích cực phối hợp với các đơn vị pháp lý để yêu cầu Dệt may Liên Phương hoàn trả số tiền trên.

Trước đó, FDC đã thông qua việc thành lập Hội đồng xử lý nợ để thực hiện xử lý tài chính đối với các khoản nợ phải thu quá hạn theo quy định hiện hành.

Trong đó, Hội đồng xử lý nợ gồm 4 người bao gồm ông Tạ Chí Cường, Tổng giám đốc giữ chức Chủ tịch; ông Võ Đức Toại, Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ là thành viên; bà Phạm Thị Oanh, Kế toán trưởng là thành viên; và bà Vũ Thị Ngọc Hiền, Kế toán tổng hợp là thư ký.

Xếp ở vị trí thứ 2 là CTCP PIV (UPCOM: PIV) khi lỗ năm 2022 đến hơn 143 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu do PIV ghi nhận chi phí tài chính hơn 142 tỷ đồng mới phát sinh trong quý IV/2022. PVI không thuyết minh cụ thể về khoản chi phí này.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) lỗ ròng cả năm 2022 lên đến 136,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 252 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Nhà Đà Nẵng thua lỗ kể từ khi lên sàn năm 2011.

Không chỉ bất động sản, NDN cũng đang ghi nhận lỗ chi phí tài chính, chủ yếu do lỗ đầu tư chứng khoán (114,5 tỷ đồng) và dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (125,7 tỷ đồng). Tại thời điểm ngày 31/12/2022, khoản mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này có giá gốc lên đến gần 310 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng tài sản. Bên cạnh đó, con số này cũng thấp hơn gần 176 tỷ đồng so với thời điểm trước đó một năm.

Hầu hết các cổ phiếu trong danh mục của NDN (VHM, TCB, SHB, HPG…) đều ghi nhận lỗ. Với việc giá gốc thấp hơn giá trị hợp lý 26,4%, do đó NDN phải trích lập dự phòng 86,5 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022.

Đáng chú ý, NDN trong quý IV/2022 đã "bắt đáy" hơn 2,2 triệu cổ phiếu HPG. Tính đến ngày 31/12/2022, khoản đầu tư này có giá gốc 35,3 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý đến gần 40 tỷ đồng, tương ứng khoản thặng dư 4,7 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất đang tạm lãi trong danh mục của NDN.

Không chỉ NDN, CTCP Victory Capital (HoSE: PTL) lỗ sau thuế năm 2022 lên đến 115,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 15,4 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ nặng do chi phí quản lý doanh nghiệp 94,1 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng phải thu khó đòi 68,2 tỷ đồng (tăng gấp hơn 3,7 lần).

PTL cũng ghi nhận số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 trên BCTC hợp nhất là -538,8 tỷ đồng. Công ty đề ra phương án khắc phục lỗ lũy kế từ năm 2023-2025 như tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng, đối tác cũng như các dự án mới để tăng doanh thu hằng năm đảm bảo có lợi nhuận bù đắp lỗ các năm trước; tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi. PTL năm nay cũng cho biết đang khởi kiện một số công ty có số dư nợ phải thu lớn để thu nợ.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cũng ghi nhận một số doanh nghiệp địa ốc khác chịu lỗ trong năm 2022 như: CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp B (HNX: BII) với con số -69,3 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn MGR (UPCOM: MGR) lỗ 15,7 tỷ đồng; CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCOM: PVR) lỗ 4 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (UPCOM: PPI) lỗ gần 3,4 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn