Nhiều doanh nghiệp dược phẩm lãi lớn

Năm 2022 nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch sau dịch COVID-19 đã giúp cho nhiều công ty hoạt động trong ngành dược phẩm thu về kết quả tích cực.

Điển hình là Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (HoSE: OPC) khi thiết lập mức lãi kỷ lục với lãi ròng đạt 142,4 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 15,4% so với năm trước. So với kế hoạch, OPC đã vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, hai doanh nghiệp dược phẩm là Imexpharm (Mã: IMP) và Dược Hậu Giang (Mã: DHG) cũng đồng loạt báo lãi sau thuế đạt mốc kỷ lục, lần lượt ở mức 234 tỷ đồng và 988 tỷ đồng, đồng thời đều vượt kế hoạch cả năm.

Về phần mình, CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco – UpCOM: PBC) cũng là một trong những doanh nghiệp báo lãi lớn trong năm qua khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 62 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, CTCP Traphaco (TRA) báo lãi ròng 293,4 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cùng ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực năm vừa qua là CTCP SPM (SPM) khi báo lãi tăng 22% lên mức 24,6 tỷ đồng, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) nhờ đẩy mạnh bán các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cũng đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 29% đạt 244 tỷ đồng, CTCP dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1) báo lãi năm 2022 ở mức 50,5 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, hay Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) với khoản lãi 83,4 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021,…

Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao là một trong những nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp dược phẩm lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2022. Dù vậy, theo SSI Resreach, tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm nay và lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp trước khi khá dần lên. Tuy vậy, doanh thu ngành dược phẩm vẫn được kỳ vọng tăng 8% lên 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.

Theo SSI, nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược, trong bối cảnh khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc – quốc gia đã mở cửa trở lại; nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra. Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine khiến các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Chính vì vậy, các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là TRA).

Nhóm phân tích này lưu ý, một trong những câu chuyện nổi bật của năm 2023 là cuộc chạy đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty như DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của mình. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công. Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này. Theo ước tính của SSI Research, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu.

Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh. SSI Research cho biết tính tới tháng 1/2023, chỉ có 8 công ty sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP hoặc tương đương tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Về phần mình, Agriseco Research khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu ngành dược trong năm nay nhờ tính phòng thủ, ngành nghề kinh doanh ổn định, nhu cầu thiết yếu. Ngoài ra, theo Fitch Solutions, dự báo doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn khoảng 6,72% trong giai đoạn 2022 – 2026 nhờ vào tăng trưởng chi tiêu sức khoẻ của người dân.

Xem thêm tại cafef.vn