Nhờ đâu cổ phiếu TLG tăng hơn 50% dù khối ngoại miệt mài bán ròng?

Từ cảnh giao dịch lình xình và thanh khoản kém, cổ phiếu TLG của Tập đoàn Thiên Long bỗng dưng bứt tốc hơn 50% trong 3 tháng qua với thanh khoản có lúc trên 2 triệu cp/phiên. Điều ngạc nhiên hơn là đà tăng vẫn diễn ra bất chấp làn sóng bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại.

Nhờ đâu cổ phiếu TLG tăng hơn 50% dù khối ngoại miệt mài bán ròng?

Từ cảnh giao dịch lình xình và thanh khoản kém, cổ phiếu TLG của Tập đoàn Thiên Long bỗng dưng bứt tốc hơn 50% trong 3 tháng qua với thanh khoản có lúc trên 2 triệu cp/phiên. Điều ngạc nhiên hơn là đà tăng vẫn diễn ra bất chấp làn sóng bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại.

Vào đầu phiên 06/09, cổ phiếu TLG tăng hơn 3% lên 65,400 đồng/cp. Trên thực tế, cổ phiếu này đã bứt tốc từ trước đó và mức giá 65,400 đồng/cp là kết quả của chuỗi leo dốc hơn 50% trong 3 tháng qua.

Diễn biến cổ phiếu TLG từ cuối tháng 5

Đáng chú ý hơn, những bước tăng phi mã của TLG vẫn diễn ra bất chấp làn sóng thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu TLG đã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 340 tỷ đồng và đứng thứ 4 trong mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn HOSE.

Đây được xem là mức bán ròng cực lớn với một cổ phiếu tầm trung và có thanh khoản thấp như TLG. Đến ngày 05/09, nước ngoài chỉ còn nắm hơn 14 triệu cp, tương đương 18.2%, tức giảm 6 triệu cp so với đầu năm.

Vậy điều gì đã “chắp cánh” cho những pha bứt tốc của cổ phiếu Thiên Long trong bối cảnh khối ngoại bán ròng mạnh như thế?

Thương hiệu quen thuộc với người Việt

Đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ vào năm 1981, Tập đoàn Thiên Long nay đã in sâu dấu ấn với người Việt trong nhiều thập kỷ qua với dòng bút bi quen thuộc. Hiện tại, Thiên Long đang nắm 60% thị phần bút viết tại Việt Nam và gần đây cũng đẩy mạnh mở rộng mảng văn phòng phẩm với thương hiệu Flexoffice.

Tập đoàn hiện sở hữu kênh phân phối rộng lớn với 65 ngàn điểm bán trên cả nước, đồng thời cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang 67 quốc gia trên thế giới.

Dù hoạt động kinh doanh khả quan, nhưng trên thị trường chứng khoán, TLG không phải là cổ phiếu gây nhiều sự chú ý bởi thanh khoản thấp và cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc. Tính đến đầu năm nay, chủ sở hữu lớn nhất là CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh (48%) và Chủ tịch Cô Gia Thọ (6.1%). Trong khi đó, nước ngoài đang nắm giữ 25.6%.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của Tập đoàn Thiên Long

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi từ đầu tháng 6/2022 với hoạt động sang tay diễn ra sôi nổi theo đà tăng của giá cổ phiếu. Thanh khoản có lúc lên trên 2 triệu cp trong 1 phiên và giá cổ phiếu đã tăng hơn 50%.

Sức bật từ kết quả kinh doanh

Điểm tựa cho đà tăng mạnh của giá cổ phiếu có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh khả quan của Tập đoàn Thiên Long.

Sau khi chững lại trong năm 2020 vì dịch COVID-19, lợi nhuận của Tập đoàn đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Nửa đầu năm nay, Thiên Long lãi kỷ lục hơn 300 tỷ đồng và vượt kế hoạch năm. Mức lãi nửa đầu năm của Thiên Long thậm chí còn cao hơn cả mức lãi năm của tất cả năm trước đây (trừ năm 2019).

* Tập đoàn Thiên Long báo lãi ròng tăng 195% trong tháng 7

* Tập đoàn Thiên Long lãi kỷ lục 186 tỷ đồng trong quý 2, cổ phiếu tăng trần

Nguồn: VietstockFinance

Chưa hết, Tập đoàn cũng đẩy mạnh sản xuất với việc đầu tư 230 tỷ đồng để xây nhà máy mới ở Long Thành vào giữa tháng 3/2022. Dự án này nhằm phát triển các nhóm sản phẩm học cụ, keo, mỹ thuật và mở rộng các nhóm sản phẩm STEAM & DIY, sản phẩm y tế.

Bên cạnh đó, chủ thương hiệu bút bi Thiên Long cũng tăng sự hiện diện thông qua các thỏa thuận hợp tác với tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, Biti's, Nova Service và các đơn vị thuộc Nova Group.

Xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo

Trên thực tế, kết quả khả quan của Tập đoàn Thiên Long có thể xuất phát từ những bước thay đổi trong cơ cấu ban điều hành hơn 1 năm qua.

Từ giữa năm 2021, ông Nguyễn Đình Tâm – người nắm vai trò điều hành khâu sản xuất – đã rời đi và chuyển giao chức Tổng Giám đốc điều hành cho bà Trần Phương Nga – người có kinh nghiệm sâu trong mảng tài chính và từng giữ các vị trí trong các lĩnh vực kế toán, ngân hàng, tư vấn tài chính và quản lý các quỹ đầu tư.

Các vị trí khác cũng có sự xáo trộn đáng kể liên quan tới các vị trí về chuỗi cung ứng, tài chính, tiếp thị, nhân lực.

Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Long cũng có ý định củng cố thêm cho việc phát triển thị trường thông qua việc bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Ngọc giữ chức Phó Tổng Giám đốc Phát triển thị trường.

Cơ cấu vị trí điều hành của Tập đoàn Thiên Long trong 1 năm qua

Nguồn: VietstockFinance

Vũ Hạo

FILI