Những tổ chức có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 9
Riêng trong tháng 9, theo dữ liệu, nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp khác có trái phiếu đáo hạn.
Cụ thể theo MASVN, lịch đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ở các ngành ghi nhận tổng giá trị xấp xỉ gần 25.000 tỷ đồng trong tháng 9.
Trong đó, nhóm tổ chức tín dụng gồm có: TienphongBank (TPB) có 3 lô trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn với tổng giá trị đáo hạn 2.050 tỷ đồng; SeABank (SSB) với 2 lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, tổng giá trị 1.700 tỷ đồng; Sacombank (STB) với tổng giá trị trái phiếu đáo hạn 1.000 tỷ đồng; VPBank (VPB) có 500 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn; HDBank (HDB) có 12 tỷ đồng.
Ở khối bất động sản, khối có giá trị trái phiếu đến kỳ đáo hạn lớn nhất, ghi nhận theo lịch của kỳ phát hành và kỳ đáo hạn, có CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An với 4.700 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Đây là Công ty dẫn đầu về khối lượng - giá trị trái phiếu đến kỳ đáo hạn trong tháng này, cũng là Cty nằm trong nhóm 18 doanh nghiệp được Bộ Tài chính xếp vào nhóm có khả năng gặp khó khăn trả nợ (kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên), giá trị đến hạn trong năm nay.
Theo dữ liệu ghi nhận, đây là lô trái phiếu được Nam An phát hành vào tháng 3/2023, gây ấn tượng toàn thị trường trong bối cảnh không gian trái phiếu phát hành sơ cấp nói chung còn rất khó khăn và chỉ nhúc nhích nhờ Nghị định 08. TCBS là đại lý đăng ký và chuyển nhượng, tổ chức lưu ký trái phiếu, đại diện người sở hữu trái phiếu của lô trái phiếu Nam An phát hành. Danh sách người sở hữu trái phiếu cụ thể không được tiết lộ.
Chỉ thấp hơn Nam An 5 tỷ đồng, CTCP Đầu Tư Kinh Doanh Và Phát Triển Đô Thị Ngôi Sao Phương Nam có 4.695 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Lô trái phiếu này cũng được Công ty này phát hành tương tự thời điểm Nam An huy động vốn trên thị trường vào tháng 3/2023, lãi suất tương đồng 13%. Cty này cũng ở trong danh sách 18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trong trả nợ trái phiếu của Bộ Tài chính thống kê; và TCBS cũng đại diện lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu. Theo thông báo của VSDC, công ty đã chốt ngày đăng ký cuối cùng trong tháng 8 để thanh toán lãi và gốc trái phiếu vào 16/09/2024.
Ngoài ra, trong tháng, khối bất động sản ghi nhận Vinhomes có 2.160 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn; Nam Long Group 950 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI 1.000 tỷ đồng; Thành phố Aqua 500 tỷ đồng; CTCP Đầu Tư Bất Động Sản Hưng Lộc Phát 150 tỷ đồng; CTCP ABG Hà Nội 125 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, sản xuất cũng có trái phiếu đáo hạn trong tháng như Sovico, Masan High-tech Materials (MSR), Phong Điện Yang Trung, Phong Điện Chơ Long, Khang Minh Group, hay nhóm Chứng khoán với BSC, TCSC…
Ghi nhận từ thông tin của HNX, trong tháng 8/2024, đã có 86 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn được công bố kể từ ngày 01/08 đến ngày 04/09 với tổng giá trị mua lại trước hạn ghi nhận gần 23,8 nghìn tỷ đồng.
Nổi bật nhất là động thái mua lại trước hạn đến từ các ngân hàng thương mại như Techcombank (6.000 tỷ đồng), BIDV (4.971 tỷ đồng), MSB (2.000 tỷ đồng), An Bình (2.000 tỷ đồng), OCB (2.000 tỷ đồng), VPBank (1.000 tỷ đồng), VIB (1.000 tỷ đồng), VietinBank (820 tỷ đồng), Bắc Á (800 tỷ đồng) và Bảo Việt (800 tỷ đồng).
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phát hành đã mua lại tổng lượng trái phiếu trước hạn lên đến hơn 115 nghìn tỷ đồng (-32% YoY). Trong đó, các tổ chức tín dụng tiêu biểu là các ngân hàng thương mại là nhóm nhân tố chính trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị của toàn ngành ghi nhận hơn 85 nghìn tỷ đồng và chiếm gần 74% tổng giá trị mua lại toàn thị trường. Phần còn lại thuộc về nhóm Bất động sản (12,3%) và Sản xuất (6,7%).
Động thái mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp, và tùy thuộc mức độ cập nhật công bố thông tin trên HNX, các dữ liệu về lịch đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có thể có thay đổi.
Ngoài ra, tháng 8 cũng tiếp tục ghi nhận đà bức tốc của các doanh nghiệp trong phát hành mới, chủ yếu là nhóm ngân hàng. Cụ thể, MASVN cho biết trong tháng 8, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận 57 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 49 nghìn tỷ đồng; nâng tổng giá trị huy động thông qua TPDN tính từ đầu năm đạt hơn 225 nghìn tỷ đồng (+76% YoY).
Phần lớn giá trị huy động đến từ các ngân hàng thương mại như: HDBank (6.900 tỷ đồng), OCB (6.600 tỷ đồng), BIDV (4.035 tỷ đồng), MB (4.000 tỷ đồng), VPBank (4.000 tỷ đồng), VIB (3.000 tỷ đồng), TPB (2.448 tỷ đồng), ACB (2.170 tỷ đồng), VietinBank (1.945 tỷ đồng), Nam Á (1.500 tỷ đồng), SHB (1.000 tỷ đồng), MSB (1.000 tỷ đồng), BVB (800 tỷ đồng), LPB (400 tỷ đồng).
Theo sau là hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản như: Xây dựng Thái Sơn / Vinhomes (1.890 tỷ đồng), Vạn Hương Investoco / Geleximco (1.396 tỷ đồng), IPA (1.000 tỷ đồng), Becamex BCM (1.000 tỷ đồng), KBC (1.000 tỷ đồng), Nam Long (950 tỷ đồng), Bất động sản Hà An / Đất Xanh (235 tỷ đồng).
Về tình hình công bố thông tin bất thường, theo VBMA, có 10 mã trái phiếu chậm trả lãi tổng giá trị 197.5 tỷ đồng; và 1 mã trái phiếu chậm trả gốc 998 tỷ đồng.
Cũng theo VBMA, sắp tới, các kế hoạch phát hành nổi bật có Tổng CT Phát triển Đô Thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), với phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2024, tổng giá trị tối đa 1 nghìn tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có TSĐB, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không TSĐB với giá trị tối đa 15 nghìn tỷ đồng. Mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn