Nỗ lực đỡ cổ phiếu trụ, VN-Index xanh, thanh khoản sụt giảm mạnh

Sau phiên giảm sốc “không rõ nguyên nhân” hôm qua, thị trường đã biến động chậm hơn. Nhóm cổ phiếu lớn phục hồi trở lại giúp VN-Index đánh võng liên tục quanh tham chiếu và kết phiên có được 3,3 điểm. Tuy nhiên dòng tiền đã co hẹp lại rất nhiều, khi thanh khoản trên HoSE giảm tới 20% so với sáng hôm qua. Điểm tích cực là khối ngoại vẫn giải ngân ròng đáng kể.

Mức giảm sâu nhất của VN-Index sáng nay là -0,48% so với tham chiếu và đỉnh tăng cao nhất là +0,69%. Như vậy biên độ dao động tối đa trong phiên chỉ là 1,17% tương đương gần 12,6 điểm, rất hẹp.

Sau phiên biến động dữ dội như hôm qua, thị trường thu hẹp dao động là tín hiệu tốt, cho thấy nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại. Không còn hiện tượng tranh nhau bán tháo nữa, nhưng cũng không đủ “dũng khí” để mua nhiều hơn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm hơn 17% so với sáng hôm qua, đạt 5.623 tỷ đồng. Trong đó HoSE giảm giao dịch 20% còn hơn 4.977 tỷ đồng.

VN-Index chốt phiên sáng tăng 3,3 điểm tương đương 0,31% nhưng độ rộng rất hẹp, với 107 mã tăng/289 mã giảm. Nhóm blue-chips VN30 điều tiết khá tốt, chỉ số của rổ này cũng tăng 0,44% với 19 mã tăng/7 mã giảm, trong khi Midcap giảm 0,58%, Smallcap giảm 0,68%.

Không có nhóm cổ phiếu mạnh nổi trội nào mà chỉ là những trụ riêng lẻ. VCB tăng 1,12%, VHM tăng 1,46%, VIC tăng 1,09%, SAB tăng 1,39%, HPG tăng 1,18% là 5 cổ phiếu đỡ điểm số nhiều nhất. Cả rổ VN30 có 9 cổ phiếu tăng trên 1%. Dù vậy mức tăng này còn quá khiêm tốn so với mức giảm hôm qua, phần lớn chưa lấy lại được một nửa, thậm chí là một phần ba biên độ giảm trước đó.

VN-Index dao động với biên độ hẹp sáng nay.
VN-Index dao động với biên độ hẹp sáng nay.

Thanh khoản trong rổ VN30 thậm chí giảm tới 28% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 1.922 tỷ đồng, chưa kể tới 53% giao dịch chỉ tập trung vào 5 cổ phiếu là HPG, VPB, STB, SSI và MBB. Nhóm này chỉ có HPG là tăng khá 1,18% so với mức giảm 4,5% hôm qua.

Tổng thể độ rộng của HoSE cho thấy đà tăng giá của nhóm blue-chips chỉ mang tính làm đẹp chỉ số, còn không tạo được tâm lý tích cực lan tỏa. Tuy sàn này không có mã nào giảm sàn, nhưng cũng còn 135 cổ phiếu đang rơi trên 1%, tức là xấp xỉ một nửa tổng số mã giảm. Ngược lại số tăng chỉ có 29 mã tăng trên 1%, ngoài số ít blue-chips kể trên, lác đác thêm vài mã có thanh khoản tương đối là DPM, HCM, AAA, còn lại đều giao dịch lẻ tẻ vài tỷ đồng.

Bên cạnh biên độ dao động hẹp lại, điểm sáng nữa là nhà đầu tư nước ngoài vẫn bình tĩnh mua vào. Tổng giải ngân trên HoSE ghi nhận 740,4 tỷ đồng, tăng 11% so với sáng hôm qua. Mức bán ra giảm 33%, còn 510,8 tỷ, tương ứng mua ròng 229,6 tỷ đồng. HPG vẫn là mã được mua tốt nhất với 73,9 tỷ đồng ròng, tiếp đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND +29,6 tỷ, STB +20,9 tỷ, VIC +20,3 tỷ. Phía bán chỉ có KBC -22,3 tỷ là đáng kể.

Thanh khoản giảm, biên độ hẹp là một tín hiệu tích cực khi đứng cạnh phiên giao dịch hoảng loạn hôm qua. Tuy vậy đây cũng là tín hiệu về sự thận trọng. Nhà đầu tư sau khi phải bán tháo cổ phiếu sẽ dừng lại quan sát tình thế trước khi quyết định có mua trở lại hay không. Thanh khoản thường sẽ tụt giảm vài ngày và trong thời gian đó, bên bán có gia tăng cường độ hay không sẽ quyết định hướng đi tiếp như thế nào.

Việc thị trường chững lại là diễn biến thường thấy. Thời điểm VN-Index đạt đỉnh đầu tháng 12/2022 cũng khởi động bằng một phiên bán tháo khá sốc ngày 6/12 (chỉ số giảm 4,1%) sau đó có vài phiên phục hồi với thanh khoản giảm dần. Xu hướng giảm ngắn hạn kéo dài gần như cả tháng 12 mới có dòng tiền quay lại.

Xem thêm tại vneconomy.vn