“Ông lớn” bán lẻ thận trọng với sức mua kém, ưu tiên quản trị dòng tiền

“Những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn đề thiếu hụt năng lượng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm… Vì vậy, tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023”, là nhận định của ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đồng thời, cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp bán lẻ về triển vọng khó khăn của ngành trong năm nay.

Sức mua các mặt hàng điện tử, điện máy giảm mạnh

Trong bối cảnh khó khăn đó, MWG lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 tương đối thận trọng với mục tiêu tăng trưởng chỉ 1 chữ số so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với kết quả thực hiện năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ.

Mục tiêu này đặt ra trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế và giả định sức mua sẽ hồi phục từ quý 3/2023. Còn theo kết quả kinh doanh ghi nhận những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy giảm mạnh hơn dự báo của MWG.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, MWG đạt 19.010 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu của 2 chuỗi Thế giới Di Động/Điện Máy Xanh đã giảm 32% từ nền cơ sở rất cao cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng 6% so với cùng kỳ trong đó doanh thu online tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 3,6% tổng doanh thu của chuỗi.

Theo MWG, ở mảng điện thoại và điện máy, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra với cả khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thấp hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng thông qua hình thức trả góp.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, MWG cho biết, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra, thông qua việc họ sẽ lựa sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

“Ông lớn” bán lẻ thận trọng với sức mua kém, ưu tiên quản trị dòng tiền ảnh 1

Đối thủ của MWG là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) thậm chí còn dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm hơn một nửa so với năm 2022, còn 240 tỷ đồng, dù mục tiêu doanh thu vẫn tăng 13%, lên 34.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến FRT dự tính lợi nhuận 2023 giảm mạnh chủ yếu là do khó khăn tại FPT Shop. Theo ban lãnh đạo FRT, năm nay, FPT Shop vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ các yếu tố bất lợi đã bắt đầu từ quý 4/2022 như sức mua các mặt hàng ICT giảm mạnh, thị trường mua trả góp cũng liên tục suy giảm, trong khi chi phí tài chính, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng dược phẩm dù là mặt hàng thiết yếu nhưng cũng bị ảnh hưởng do xu hướng khách hàng thắt chặt chi tiêu hơn.

Với những khó khăn như vậy, cộng thêm chưa thể dự báo thời điểm thị trường ICT phục hồi, năm nay FRT cho biết sẽ thận trong việc mở rộng FPT Shop và không đưa ra chỉ tiêu phát triển chuỗi này như các năm trước.

Tương tự, MWG cũng không đặt mục tiêu cụ thể về số lượng các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh dự định mở mới và nếu có mở mới cũng sẽ có chọn lọc (ở các khu vực có tiềm năng tốt và có thể mang lại lợi nhuận). Cùng với đó, MWG sẽ tạm ngừng mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi đã đạt con số 500 cửa hàng để tập tập trung tăng doanh thu mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí và dần đưa về điểm hòa vốn.

Ngoài ra, MWG cũng thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.

Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng điểm sáng kinh doanh năm nay sẽ đến từ Bách Hóa Xanh. Theo đó, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng sau khi trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện sẽ đạt được tăng trưởng doanh thu hai chữ số và đạt điểm hòa vốn cuối năm nay.

Sau tái cấu trúc, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh đến cuối năm 2022 đã giảm gần 20% so với năm 2021, còn 1.728 cửa hàng hoạt động nhưng tổng doanh thu vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021. Con số này theo ban lãnh đạo MWG đã "cho thấy những tín hiệu bền bỉ" trong giai đoạn thị trường khó khăn.

Còn với FRT, khi sức mua mảng ICT chưa “hẹn” ngày phục hồi, nhà thuốc Long Châu sẽ trở thành động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp dự định sẽ mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc đến cuối năm 2023. Cuối năm ngoái, Long Châu đạt mốc 1.000 nhà thuốc và vươn lên dẫn đầu về số lượng chuỗi nhà thuốc trên thị trường. Doanh thu từ chuỗi nhà thuốc này đã tăng gấp 2,4 lần trong năm 2022.

“Ông lớn” bán lẻ thận trọng với sức mua kém, ưu tiên quản trị dòng tiền ảnh 2

Một “ông lớn” bán lẻ khác là CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng không đặt kế hoạch quá tham vọng trong năm 2023, dù mảng hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn các mặt hàng không thiết yếu. Theo đó, công ty dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18% và 31% so với mức 76.189 tỷ đồng vào năm 2022.

Tuy nhiên, MSN cũng lường trước trong tình huống bất lợi khi các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng vẫn tồn tại. Khi đó, doanh thu dự kiến sẽ tăng từ 10% đến 15%.

Trong đó, Masan xác định Wincommerce (WCM) dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36 - 40,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 16 - 29% so với năm trước nhờ tăng trưởng doanh thu tại các cửa hàng hiện có và mở rộng số lượng cửa hàng.

Trong năm 2022, doanh thu thuần của Wincommerce đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 30.900 tỷ đồng vào năm 2021 xuống còn 29.369 tỷ đồng. Trong đó, mảng WinMart+ đạt doanh thu thuần 19.817 tỷ đồng vào năm 2022, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng siêu thị (WinMart) đạt doanh thu thuần 9.261 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối năm 2022, Wincommerce vận hành 3.268 WinMart+, tăng so với 2.619 WinMart+ của cùng kỳ năm 2021. Trên cơ sở đó, ban điều hành công ty đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800-1.200 số lượng địa điểm minimart vào năm 2023.

Tập trung quản trị dòng tiền

Trong bối cảnh tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và chi phí doanh nghiệp tăng cao trong năm 2023, điểm chung mà các “ông lớn” bán lẻ ưu tiên là quản trị dòng tiền tốt hơn.

MWG cho biết sẽ nỗ lực duy trì kinh doanh, ưu tiên bảo vệ dòng tiền lành mạnh, hạn chế rủi ro để đảm bảo sức chống chịu của doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường khó khăn cũng như chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tăng tốc khi tình hình sản xuất – kinh doanh có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Theo ban lãnh đạo MWG, tất cả các chuỗi sẽ tập trung vào tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng và kiểm soát chi phí vận hành, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Ngoại trừ, Bách Hóa Xanh có thể tiếp tục tối ưu biên lợi nhuận bằng cách cải thiện tỷ lệ hủy hàng, giảm hao hụt.

Ngoài ra, công ty sẽ nỗ lực kiểm soát hàng tồn kho để giảm rủi ro giảm giá, đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho bán chậm ở tất cả các chuỗi, giảm nợ vay để đảm bảo sức khỏe tài chính lành mạnh, cân đối và tối ưu dòng tiền để tích cực cải thiện chi phí tài chính. Đến cuối tháng 2/2023, tồn kho của công ty đã giảm hơn 30% so với cuối năm 2022.

MWG còn cho biết công ty đã hoàn tất thu hồi 100% vốn và lãi đối với trái phiếu đầu tư khi đến hạn. Hiện tại, công ty không phát hành trái phiếu và cũng không còn bất kỳ khoản đầu tư nào vào trái phiếu.

Trong khi đó, MSN xác định trong vòng 12 tháng tới sẽ tập trung vào việc củng cố bảng cân đối kế toán và cân đối chỉ số đòn bẩy, đồng thời duy trì mức nợ ròng/EBITDA mục tiêu dưới 4,5 lần thông qua một số giải pháp.

Theo đó, công ty dự kiến sẽ cải thiện hệ số tài chính với tỷ trọng EBITDA cao hơn từ Wincommerce, Masan Consumer Holdings và Masan MEATLife trong năm 2023 so với năm 2022. Giảm nợ tại Masan và các công ty con bằng cách tận dụng dòng tiền tự do từ hoạt động kinh doanh và cải thiện chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của vốn lưu động. Đồng thời, tìm kiếm các giải pháp chiến lược của công ty để giảm mức nợ ròng.

Ngoài ra, Masan cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để thanh toán các trái phiếu bằng VND đến kỳ đáo hạn trong năm 2023 – năm mà thị trường vốn tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Còn với FRT, doanh nghiệp dự kiến sẽ đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng với sự biến động mạnh của thị trường, đặc biệt là thị trường vốn. Công ty sẽ tối ưu hóa dòng tiền, đảm bảo thanh khoản cho toàn công ty cũng như đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi Long Châu.

Xem thêm tại nhipsongkinhdoanh.vn