Petrolimex thông qua phương án thoái vốn tại PG Bank với giá 21.300 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank.

Theo đó, ngày 02/02/2023, HĐQT PLX đã thông qua phương án thoái vốn đối với 40% cổ phần - tương đương 120 triệu cổ phiếu tại PG Bank.

Cụ thể, việc thoái vốn sẽ được thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với giá khởi điểm sẽ lấy mức cao nhất từ một trong hai mức giá sau: Một là, giá xác định bởi tổ chức thẩm định giá: 21.300 đồng/cổ phần;

Hai là, giá tham chiếu bình quân của cổ phiếu PGB trong 30 phiên giao dịch liên tiếp trên sàn chứng khoán UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.

Về kết quả kinh doanh, PG Bank lãi trước thuế quý 4 hơn 119 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm (406 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/12/2022, tổng tài sản của PGB là 49 nghìn tỷ đồng (2 tỷ USD) với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là 15.285 đồng. Thu nhập lãi thuần năm 2022 của ngân hàng là 1,2 nghìn tỷ đồng (+22% YoY) và EPS là 1.349 đồng/cổ phiếu (+54% YoY).

Đáng chú ý đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/02/2023, giá cổ phiếu PGB tăng tới 14,71% lên 19.500 đồng với 252.535 đơn vị được giao dịch. Như vậy, mức giá này thấp hơn 8,5% so với mức giá tối thiểu trong phương án thoái vốn.

Tạm tính theo mức giá 21.300 đồng/cổ phiếu, quy mô thoái vốn của Petrolimex tại PGB tối thiểu 2.556 tỷ đồng.

Được biết, PLX đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu đạt 78 nghìn tỷ đồng (+59% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+96,3% YoY);

PLX cho biết, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng gần gấp đôi so với năm 2021 nhờ: Một là, Giá dầu Brent phục hồi vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 khiến PLX hoàn nhập toàn bộ chi phí dự phòng hàng tồn kho đã ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2022 và hỗ trợ công ty nhờ xăng dầu đầu vào giá rẻ tại thời điểm bán ra;

Hai là, các điều chỉnh đối với thành phần giá cơ sở trong tháng 10-tháng 11/2022 gần đủ để phản ánh chi phí hoạt động thực tế của PLX và cuối cùng là tỷ giá USD/VND thấp hơn dự kiến (khoảng 23.600) vào tháng 12/2022 so với mức cơ sở cao vào tháng 10-tháng 11/2022 là gần 25.000, giúp PLX tăng lãi tỷ giá trong quý 4/2022 (684 tỷ đồng) và đủ để bù đắp lỗ tỷ giá trong 9 tháng đầu năm 2022 (644 tỷ đồng).

Được biết, năm 2022, doanh thu của PLX đạt 304 nghìn tỷ đồng (+80% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (-48% YoY). Qua đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lưu ý rằng lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 chiếm khoảng 80% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của PLX trong năm 2022.

Đồng thời, VCSC cũng lưu ý rằng trước đó PLX đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.068 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thực tế cao hơn 9% con số sơ bộ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 đã hoàn thành 102,7% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo 2023 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.  

Xem thêm tại vneconomy.vn