PGS.TS Trần Đình Thiên: Nhiều trói buộc, điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 6/2, Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên đã bày tỏ lo ngại về nguồn vốn cho nền kinh tế.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa.

Vị chuyên gia đặt vấn đề: “Tại sao lại có tình trạng một nền kinh tế tốt nhưng khu vực nội địa, nguồn nội lực tốt lại khó khăn như vậy? Đây là vấn đề cần phải mổ xẻ, để có giải pháp chiến lược tập trung và tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân sẽ rất khó tháo gỡ bởi thay vì tự hào nền kinh tế ổn định nhất thế giới, tính ứng biến cao, mà chúng ta quên khả năng ứng phó rất khó khăn… Do đó, cần phải nhận định để có giải pháp sát sườn”.

Gánh nặng đang đổ về thị trường vốn tín dụng

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, thững trục trặc này đến từ cấu trúc "nhị nguyên" của nền kinh tế bao gồm nền kinh tế FDI (vốn đầu tư nước ngoài - PV) và nền kinh tế bản địa. Khi khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt trong điều kiện khó khăn của khu vực nội địa. Phân tích ra có 2 điểm cần lưu ý, là cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính của Việt Nam mà chủ yếu vốn từ nước ngoài nên câu chuyện khô cạn về vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng FDI. Đây là một trong những lý do rất cơ bản. Vậy phải làm sao tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa?

“Đồng thời, những ách tắc về vốn còn liên quan đến ràng buộc thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin - cho… Vậy thì, cái gọi là "khu vực nội địa" đang bị trói buộc rất nhiều so với khu vực FDI. Và trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được?”, ông nói.

Ngoài ra, nhiều điều trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan đang khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. “Đây là thời đại tiền khó, nên các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này”.

Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Ông Trần Đình Thiên đánh giá, giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.

Đồng thời, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu cũng phát triển lệch lạc, méo mó; gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng nhiều quá. Do đó, cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường này, cũng như cần giải pháp thể chế để cân bằng lại, trong đó đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho ngân hàng…

Về vĩ mô, cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định, để quá cao như hiện nay sẽ rất khó. Hệ thống khuyến khích cho DN nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu DN; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.

Cần giải pháp giảm lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn

Nhiều ý kiến khác tại tọa đàm cũng nhận định, khó khăn trên thị trường vốn là thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho rằng, cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa về hướng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất.

“Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa kiến nghị.

Chủ tịch HUBA cho rằng, ngân hàng là doanh nghiệp và cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi ngân hàng, cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp đang sử dụng tài sản bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá BĐS giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị BĐS giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp. Một số DN đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỉ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

Xem thêm tại cafef.vn