Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả

Dưới tác động của dịch COVID-19 và biến động từ tình hình kinh tế, địa chính trị quốc tế cũng như những khó khăn trong nước, thị trường chứng khoán chịu tác động và có xu hướng giảm trong nhiều tháng qua nhưng vẫn là một thị trường quan trọng cho nền kinh tế, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Những kết quả đã đạt được

TTCK Việt Nam ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong thời gian qua, cụ thể:

Thứ nhất, TTCK phát triển tương đối ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh; tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc thông qua việc hình thành các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu đã hình thành 3 mảng thị trường với quy mô vốn khác nhau là: (i) Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE) là thị trường niêm yết đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn từ 120 tỷ đồng trở lên; (ii) SGDCK Hà Nội (HNX) là thị trường niêm yết đối với doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ từ 30 tỷ đồng trở lên; (iii) Thị trường đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (hệ thống UPCoM).

Tuy nhiên, dưới sự biến động của nhiều yếu tố kinh tế, địa chính trị trong, ngoài nước và theo xu hướng chung của TTCK các nước, TTCK Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ. Trong năm 2022, TTCK đã trải qua những phiên điều chỉnh giảm mạnh bắt đầu từ tháng 4 và tiếp tục nằm trong xu hướng giảm điểm đến cuối năm 2022, trong đó có những nhịp phục hồi ngắn hạn vào tháng 5 và tháng 8. Tính đến ngày 23/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.020,34 điểm, giảm 31,9% so với cuối năm 2021.

Về quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), tính đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 757 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 SGDCK và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021.

Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm với giá trị giao dịch bình quân 31.160 tỷ đồng/phiên trong quý I/2022 xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung từ đầu năm đến tháng 12/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.368 tỷ đồng/phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm 2021.

TTCK phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động, với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính chung đạt 270.871 hợp đồng/phiên, tăng 44% so với bình quân năm 2021. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tính đến ngày 23/12/2022 đạt 50.038 hợp đồng, tăng 61% so với cuối năm 2021. Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, tính chung 11 tháng, khối lượng giao dịch chứng quyền đạt 32,67 triệu chứng quyền/phiên, tăng 53% so với bình quân năm 2021; tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 21,5 tỷ đồng/phiên, giảm 70% so với bình quân năm 2021.

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2011-2020 có tốc độ tăng trưởng dư nợ trung bình đạt khoảng 22,1%/năm, đạt 47,83% GDP vào cuối năm 2020, gấp 6,6 lần năm 2011 (vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 là 38% GDP vào năm 2020), được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. Kỳ hạn phát hành bình quân cũng liên tục được kéo dài, năm 2020 lên 13,83 năm, trong khi năm 2010 chỉ khoảng 4,3 năm.

Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 17,08% GDP, gấp 10,2 lần năm 2011 (vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg là 7% GDP vào năm 2020). Đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021. Hoạt động của thị trường trái phiếu đã hỗ trợ tích cực trong việc tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ cả về khối lượng, kỳ hạn và chi phí huy động, góp phần tăng tính bền vững của nợ Chính phủ theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách và nợ công.

Có thể nói, trong giai đoạn hơn 10 năm vừa qua, TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN (tăng trưởng vốn hóa trên SGDCK Phillipines (PSE) là 13,3%; SGDCK Thái Lan (SET) là 13,1%; SGDCK Indonesia (IDX) là 10,1%; SGDCK Malaysia là 5% và SGDCK Singapore (SGX) là 3,8% trong cùng giai đoạn).

Thứ hai, các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đã và đang được cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Chất lượng hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp được nâng cao, đặc biệt tại các công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn.

Năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi cũng được tăng cường thông qua việc thường xuyên hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK, nổi bật là ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2016 và xây dựng Luật Chứng khoán thay thế năm 2019. Đến nay, hệ thống khung pháp lý đã cơ bản hoàn thiện, cho phép cơ quan quản lý là Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đủ biện pháp quản lý, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK.

Thứ ba, quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty quản lý quỹ được đẩy mạnh.

SGDCK Việt Nam đã được thành lập và mô hình của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh đã được tái cấu trúc. Việc tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường, thành lập một SGDCK thống nhất sẽ phát huy hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao vị thế và quy mô cạnh tranh của thị trường quốc gia so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã làm giảm số lượng công ty hoạt động yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động công ty hiện có. Sau tái cấu trúc, quy mô và chất lượng các công ty chứng khoán đã phân chia rõ nét, 80% thị phần tập trung vào 27 công ty chứng khoán hàng đầu (có vốn chủ sở hữu trên 1000 tỷ đồng), trên 67% doanh thu toàn thị trường thuộc về 10 công ty chứng khoán lớn nhất và gần 90% doanh thu toàn thị trường thuộc về 20 công ty chứng khoán lớn nhất.

Các công ty quản lý quỹ đã thực hiện tái cấu trúc cổ đông thông qua việc chuyển dịch từ các cổ đông cá nhân sang các cổ đông là các tổ chức tài chính lớn trong nước và quốc tế, có tình hình tài chính lành mạnh và năng lực cao trong công tác quản trị công ty. Đặc biệt, các quỹ ETF Việt Nam hiện có quy mô quỹ đang đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau các quỹ ETF tại Singapore với 1,33 tỷ USD.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên TTCK đã được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản chứng khoán.

Thời gian thanh toán giao dịch trên thị trường cổ phiếu đã giảm từ T+3 xuống T+2; Cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP) đã được hoàn thiện đảm bảo phục vụ cho việc thanh toán, bù trừ các sản phẩm phái sinh và đã được triển khai từ tháng 8/2017; Thực hiện triển khai dịch vụ bỏ phiếu điện tử (e-voting); Triển khai đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến cho NĐT nước ngoài...

Thứ năm, TTCK Việt Nam chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng.

Đặc biệt, trong năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2022, số lượng tài khoản giao dịch mở mới của nhà đầu tư có sự tăng trưởng đột biến. Tính đến cuối tháng 11/2022, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021, số lượng tài khoản mở mới luỹ kế 11 tháng đạt 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm 2021. Số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 42.458 tài khoản, tăng 7,46% so với cuối năm 2021. TTCK Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE Russell (9/2018).

Thứ sáu, TTCK ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế.

TTCK Việt Nam đang dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, bền vững hơn thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu, tiêu biểu là Sáng kiến Tài chính xanh, Sáng kiến quản trị công ty, Sáng kiến các SGDCK bền vững… Đồng thời, TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập, thông qua các cam kết trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn như: Hiệp định chung về thương mại, dịch vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới; Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hay các cam kết trong khuôn khổ hội nhập thị trường chung ASEAN...

Hướng đến thị trường chứng khoán phát triển ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả

Trong giai đoạn tới, TTCK Việt Nam có cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn tác động từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Để tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả định hướng phát triển TTCK dựa trên 4 quan điểm phát triển: (i) Bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường vốn, TTCK tại Văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030; là một bộ phận của Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (ii) Phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; (iii) Tiếp tục phát triển TTCK về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, tiếp cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; (iv) Nhà nước thực hiện quản lý, giám sát TTCK bằng pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn thị trường...

Trên cơ sở các quan điểm phát triển, TTCK phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển. Trong đó tập trung vào 6 mục tiêu cụ thể gồm:

Một là, về quy mô: Theo Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, quy mô thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 120% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó TPDN đạt 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó TPDN đạt 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20%-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Hai là, về số lượng nhà đầu tư: Theo Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đang được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, số lượng nhà đầu tư trên TTCK đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; Tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Ba là, về quản trị công ty: Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ về quản trị công ty, môi trường và xã hội tại các SGDCK và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Bốn là, về tái cơ cấu TTCK: Thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán trên các SGDCK chậm nhất là năm 2025.

Năm là, về nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường: Phấn đấu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

Sáu là, về hội nhập: Tích cực hội nhập thị trường tài chính, TTCK thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả

Để thực hiện các mục tiêu trên, các nhóm giải pháp được xây dựng để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý. Thực hiện rà soát, tổng kết thi hành Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật trong giai đoạn 2022-2025; nghiên cứu và đề xuất các quy định nhằm kịp thời khắc phục các bất cập trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch thị trường.

Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Xây dựng hệ thống giám sát ba cấp, kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với SGDCK, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường; Áp dụng phương thức giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo sớm, đảm bảo giám sát toàn diện, hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế; Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo TTCK vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu và giám sát TTCK.

Thứ ba, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung trên cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh; Phát triển thị trường cổ phiếu thông qua khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện IPO gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; Thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt. Phát triển thị trường TPCP trên cơ sở phát hành đa dạng các kỳ hạn TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu của NĐT; Phát triển thị trường TPDN trên cơ sở vận hành thị trường thứ cấp TPDN riêng lẻ cho các NĐT chuyên nghiệp nhằm tăng tính minh bạch của thị trường, thúc đẩy chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết, khuyến khích doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn và xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh...

Bên cạnh đó, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán. Tiếp cận thộng lệ quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán. Nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng... hướng tới phát triển bền vững. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường TPDN...

Thứ tư, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các nhà đầu tư có tổ chức trong nước; Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường... cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam; Thực hiện các giải pháp đưa TPCP vào rổ chỉ số TPCP quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư TPCP Việt Nam; Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK...

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin trên TTCK. Tiên phong áp dụng thông lệ quốc tế về môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) tại các SGDCK, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán trên TTCK.

Thứ sáu, phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của các tổ chức Hiệp hội, tổ chức phụ trợ. Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg; Tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ dựa trên rủi ro. Thúc đẩy việc thực hiện chức năng giám sát của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về chứng khoán; Khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế tham gia cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Thứ bảy, tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển TTCK; Quản lý, giám sát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và nâng cao năng lực quản trị rủi ro; Giám sát việc thực hiện các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng,...

Thứ tám, tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế để hài hòa hóa khuôn khổpháp lýhướng tới các chuẩn mực chung vềlĩnh vực chứng khoán của khu vực và thế giới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, pháp lý cho quá trình hội nhập TTCK quốc tế; Xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và giám sát giữa cơ quan quản lý TTCK Việt Nam với các cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK...

Thứ chín, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền đối với đội ngũ cán bộ công chức, người hành nghề chứng khoán và nhà đầu tư; Tiếp tục phát triển nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền; Xây dựng chiến lược đào tạo nhà đầu tư phù hợp với sự phát triển của TTCK.

Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2023

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn