PVI - Giá nào là hợp lý?

Triển vọng của CTCP PVI (HNX: PVI) và các doanh nghiệp cùng ngành tiếp tục được đánh giá cao bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp.

PVI - Giá nào là hợp lý?

Triển vọng của CTCP PVI (HNX: PVI) và các doanh nghiệp cùng ngành tiếp tục được đánh giá cao bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Dư địa tăng trưởng của ngành bảo hiểm còn nhiều

Trong 8 tháng đầu năm 2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có được mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh khó khăn từ dịch Covid-19. Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 133,040 tỷ đồng, tăng 16.96% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,092 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94,948 tỷ đồng.

Tuy mức tăng so với cùng kỳ thấp hơn thời điểm kết thúc tháng 7 (18.26%) song về dài hạn giới phân tích đánh giá ngành bảo hiểm tại Việt Nam sẽ còn dư địa tăng trưởng từ 15%-20%/năm do nhu cầu tăng nhanh trong khi mức độ thâm nhập vẫn đang ở mức thấp.

Theo tổ chức AM Best, trong số các thị trường đang phát triển tương tự ở Đông Nam Á, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ và đông; 70% dân số ở độ tuổi dưới 35 với tuổi thọ trung bình là 76; GDP/đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần trong thập kỷ qua và thổi bùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu được dự tính chiếm 26% dân số đến năm 2026.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu bảo vệ đối với tài sản cá nhân và sức khỏe khi mức độ sở hữu tài sản tăng cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm phi nhân thọ chỉ ở mức 0.75% GDP trong năm 2020, đây là tỷ lệ thấp nhất so với khu vực và thế giới.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm

Dẫn đầu thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ

Ngành bảo hiểm là ngành có mức độ tập trung gần như cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Điều này được thể hiện rõ nét qua các con số: 5 doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 80% thị phần và 5 doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành phi nhân thọ chiếm gần 60% thị phần.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, PVI dẫn đầu thị phần các công ty bảo phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2021, cụ thể PVI hiếm 15.44% thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ vượt qua BVH với 15.31%.

Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021

Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Lãi suất tiền gửi giảm mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư

Không chỉ riêng PVI, các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm đều chịu ảnh hưởng trưc tiếp từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng. Khi mà hơn 70% các khoản đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đều là các khoản tiền gửi ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất thấp sẽ còn tiếp diễn cho đến cuối năm khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế dẫn đến nhu cầu tín dụng suy yếu, cùng với đó cơ quan điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chủ trương khuyến khích các ngân hàng giảm lãi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu “tạo đáy” và được dự báo sẽ đảo chiều tăng trở lại trong năm 2022 khi mà dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu tín dụng tăng cao nhờ hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại.

Tỷ trọng danh mục đầu tư của PVI

Nguồn: PVI

Combined Ratio tiếp tục đi xuống

Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của PVI chỉ tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh thu thuần của PVI sụt giảm 19.2%, đạt 4,776 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn dịch vụ kinh doanh phi bảo hiểm giảm mạnh đã giúp lợi nhuận ròng của PVI vẫn ghi nhận tăng 22.4%, đạt 807 tỷ đồng.

Trong năm 2021, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên một số nghiệp vụ bảo hiểm như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng không,… Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVI ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 2,484 tỷ đồng và 444 tỷ đồng; lần lượt tăng nhẹ 3.7% và 3.3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy vậy, PVI vẫn ghi nhận điểm tích cực ở tỷ lệ chi phí kết hợp (Combined Ratio) khi tỷ lệ này tiếp tục có chiều hướng đi xuống, đạt 90.6% trong năm 2020, giảm 2% so với 92.6% năm 2019. Đây cũng là mức thấp nhất trên thị trường. Qua đó cho thấy sự hiệu quả ngày càng tăng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PVI.

Biến động kết quả kinh doanh của PVI. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Tỷ lệ Combined Ratio của PVI. Đvt: Phần trăm

Nguồn: PVI

Định giá cổ phiếu

Mức P/B và P/E trung vị của nhóm cổ phiếu cùng ngành lần lượt là 1.68 và 14.22 lần. Trong khi đó P/B và P/E của PVI ở quanh mức 1.41 và 13.8 lần.

Với tỷ trọng tương đương giữa hai phương pháp P/E, P/B và DDM, chúng tôi tính được mức định giá hợp lý của PVI là 58,503 đồng.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI