Quý 1 khởi sắc, doanh nghiệp đường có cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh thận trọng?

Diễn biến tích cực của thị trường cùng với hiệu quả từ các chính sách đã giúp một số doanh nghiệp mía đường gặt hái nhiều kết quả có lợi. Dự báo, sản lượng đường niên vụ 2022-2023 sẽ tiếp tục tăng do sự khởi sắc trở lại trong sản xuất mía đường.

Quý 1 khởi sắc, doanh nghiệp đường có cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh thận trọng?

Diễn biến tích cực của thị trường cùng với hiệu quả từ các chính sách đã giúp một số doanh nghiệp mía đường gặt hái nhiều kết quả có lợi. Dự báo, sản lượng đường niên vụ 2022-2023 sẽ tiếp tục tăng do sự khởi sắc trở lại trong sản xuất mía đường.

Kết quả kinh doanh quý 1 niên vụ 2022-2023 của một số doanh nghiệp đường

(Đvt: Tỷ đồng)

Quý 1 niên vụ 2022-2023 (Từ 01/07-30/09/2022), CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HOSE: SBT) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5,310 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và doanh thu bán đường vẫn đóng góp chính với tỷ trọng gần 90% doanh thu, đạt hơn 4,805 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 4 niên vụ gần đây của SBT
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

SBT cho biết, doanh thu và giá bán đường tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty đang tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp về nông nghiệp, sản xuất… nhằm tối ưu chi phí và nhờ đó có lãi ròng gần 226 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) cũng ghi nhận kết quả khả quan trong quý đầu niên vụ mới khi thu về hơn 341.4 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 2.3 lần. Lãi gộp đạt 103 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ niên độ trước.

Doanh thu tăng cao hơn đà tăng chi phí trong kỳ giúp lãi ròng của SLS đạt hơn 81 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ.

CTCP Mía Đường Lam Sơn (Lasuco, HOSE: LSS), trong quý 1 niên vụ 2022-2023, có doanh thu đi ngang ở mức hơn 303 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 7.6 tỷ đồng (tăng 2%) và lãi ròng hơn 8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ (chủ yếu do tiết giảm được một số chi phí).

Về phía CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) có năm tài chính từ ngày 01/01-31/12/2022. Theo BCTC quý 3/2022, dù doanh thu các mảng kinh doanh chính như đường, sữa đậu nành tăng nhưng do biên lợi nhuận gộp giảm cũng như các chi phí hoạt động tăng cao khiến QNS chỉ thu về gần 317 tỷ đồng lãi ròng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 6,311 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận ròng gần 858 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu các hoạt động của QNS trong 9 tháng đầu năm 2022
Nguồn: VietstockFinance

Riêng mảng kinh doanh sản phẩm đường chiếm 23% doanh thu trong 9 tháng, song biên lãi gộp thu hẹp từ 21% xuống còn 16.5%; do đó, QNS chỉ thu về gần 240 tỷ đồng lãi gộp từ mảng này, đóng góp 13% cơ cấu lợi nhuận gộp hợp nhất.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành đường đang được ủng hộ bởi đà tăng giá của đường. Giá đường trong nước tăng được phản ánh rõ trong tháng 9/2022 bởi đây là tháng thứ ba liên tiếp giá đường Việt tăng và đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua, dao động từ 19,400 - 20,000 đồng/kg đối với đường kính trắng và 20,200 - 21,000 đồng/kg (đường tinh luyện), tăng 600 - 700 đồng/kg so với tháng trước. Tính chung trong quý 3/2022 giá đường trong nước đã tăng 10-14%, tương ứng tăng 1.800 - 2,600 đồng/kg.

Tuy vậy, giá đường trong nước vẫn đang ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực (đặc biệt chỉ bằng khoảng 50% so với giá đường tại Philippines) dù gần đây được hưởng lợi từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bảng so sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận
(quy đổi VNĐ)
Nguồn: VSSA

Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào hưởng lợi từ giá đường cũng có kết quả kinh doanh tích cực. Quý 3/2022, doanh thu thuần của CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) cao gấp 8.6 lần cùng kỳ niên độ trước, đạt mức 59 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 4% lên 11%. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí lãi vay khiến lãi ròng của Công ty chỉ đạt hơn 400 triệu đồng (gần như không biến động nhiều so với cùng kỳ).

Doanh nghiệp đường vẫn thận trọng cho niên độ mới

Niên vụ 2022-2023, TTC Sugar đặt mục tiêu đạt 17,017 tỷ đồng tổng doanh thu và 850 tỷ đồng lãi trước thuế. Kế hoạch này giảm lần lượt 7% và gần 19% so với niên vụ 2021-2022. Kết thúc quý 1 của niên vụ mới, Công ty thực hiện được hơn 33% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp mía đường đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế niên vụ 2022-2023 thận trọng
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Tại Mía đường Sơn La (SLS), dù đặt kế hoạch doanh thu niên vụ 2022-2023 tăng hơn 25% so với niên độ trước, tương đương hơn 1,110 tỷ đồng, song chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 60%, đạt hơn 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trong quý đầu niên vụ 2022-2023, Công ty đã thu về hơn 81 tỷ đồng lãi trước thuế, vượt 8% mục tiêu lợi nhuận năm dù doanh thu mới thực hiện được 1/3 mục tiêu.

Tương tự SLS, Mía đường Kon Tum (KTS) thông qua kế hoạch tổng doanh thu đạt gần 406 tỷ đồng trong niên vụ 2022-2023, cao gấp 2.3 lần so với niên vụ trước, song ước lãi trước thuế đi lùi hơn 38%, xuống còn 6.5 tỷ đồng. Dù đặt chỉ tiêu khá khiêm tốn, Công ty cũng chỉ mới thực hiện được 1/8 kế hoạch lợi nhuận năm sau khi kết thúc quý đầu niên vụ mới.

Ở chiều ngược lại, Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đặt mục tiêu doanh thu thuần và lãi trước thuế đều tăng so với niên vụ cũ, lần lượt đạt 2,166 tỷ đồng (tăng 6%) và 60 tỷ đồng (tăng 20%). So với kế hoạch năm, Lasuco mới thực hiện được gần 16% mục tiêu sau quý 1 niên vụ 2022-2023.

Nói về triển vọng ngành thời gian tới, lãnh đạo TTC Sugar nhận định sản lượng đường trong nước khó tăng trưởng trong các năm tiếp theo do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn đường mỗi năm.

Mặt khác, giá đường thế giới được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Lãnh đạo TTC Sugar cho rằng giá đường sẽ lệ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát đường nhập lậu và chính sách nhập khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, tỷ giá USD dự báo tiếp tục tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đầu vào của đường nhập khẩu.

Đồng quan điểm, Mía đường Sơn La (SLS) cũng dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn trong niên vụ 2022-2023 do nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác…

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 9/2022, lãnh đạo SLS cho biết, giá thành niên vụ năm nay chịu ảnh hưởng giá nguyên liệu đầu vào, giá vật tư, xăng dầu, phân bón và giá thu mua mía nguyên liệu tăng theo xu thế chung của thị trường.

Sau quý đầu niên độ khả quan, liệu các doanh nghiệp đường có cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh thận trọng?

Thế Mạnh

FILI