Quý 2 "lãi bùng nổ" của nhiều doanh nghiệp hóa chất

Kết thúc mùa Báo cáo tài chính (BCTC) quý 2, nhiều doanh nghiệp hóa chất có bức tranh kinh doanh sáng màu. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp ngậm ngùi báo lãi giảm hoặc bất ngờ chuyển lãi thành lỗ.

Quý 2 "lãi bùng nổ" của nhiều doanh nghiệp hóa chất

Kết thúc mùa Báo cáo tài chính (BCTC) quý 2, nhiều doanh nghiệp hóa chất có bức tranh kinh doanh sáng màu. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp ngậm ngùi báo lãi giảm hoặc bất ngờ chuyển lãi thành lỗ.

Theo thống kê từ VietstockFinance, hiện đã có 41 doanh nghiệp ngành hóa chất công bố BCTC quý 2/2022. 26 doanh nghiệp báo lãi ròng tăng trưởng, 15 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp báo lỗ. Doanh thu và lãi ròng toàn ngành lần lượt đạt hơn 39 ngàn tỷ đồng và 6.6 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 32% và gấp 2.3 lần cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi ngàn tỷ
Nguồn: VietstockFinance

“Ông lớn” Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đã có một kỳ kinh doanh thực sự bùng nổ. Kết thúc quý 2, DGC báo doanh thu trong kỳ tăng 96% - lên hơn 4 ngàn tỷ đồng và lãi ròng gấp 5.6 lần cùng kỳ, đạt 1.8 ngàn tỷ đồng.

Ông lớn DGC có một quý 2 bùng nổ

DGC lý giải sự tăng trưởng này nhờ sản lượng sản xuất, doanh thu các mặt hàng và giá bán tăng mạnh (doanh thu Phốt pho vàng tăng 185%, các mặt hàng phân bón tăng 62.8%, WPA tăng 22.7%), trong khi giá vốn chỉ tăng hơn 23%. Ngoài ra, các khoản doanh thu từ hoạt động tài chính (gồm lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỷ giá) cũng gấp gần 3 lần cùng kỳ. Chính nhờ sự bùng nổ này mà lũy kế 6 tháng đầu năm, DGC gần như hoàn thành trọn vẹn được mục tiêu lãi sau thuế đặt ra cho cả năm 2022.

Kế đến là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) với doanh thu hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 71%, biên lợi nhuận gộp tăng từ 32% cùng kỳ lên 38.5%. Đằng sau đó là sự tăng mạnh cả về sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán phân bón. Nhờ đó, DPM lãi ròng quý 2 gần 1.3 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh 87% so với cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ và giá bán phân bón tăng mạnh đã giúp DPM có bức tranh quý 2 rực rỡ

Giống như DGC, nửa đầu năm kinh doanh đầy đột biến đã giúp DPM hoàn thành tới 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm, với lãi ròng lũy kế gần 3.4 ngàn tỷ đồng.

“Ông lớn” Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) cũng có một quý làm ăn bùng nổ với lãi ròng 1.04 ngàn tỷ đồng, gấp 3.5 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp DCM đạt lợi nhuận trên 1,000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết, giá phân bón trong quý 2 vẫn neo ở mức cao và riêng giá bán bình quân ure cao hơn 79% so với cùng kỳ đã làm cho doanh thu tăng mạnh lên hơn 4 ngàn tỷ đồng (+73%). Các hạng mục chi phí bật tăng nhưng không đuổi kịp doanh thu, nhờ vậy Công ty đạt được mức lãi ròng tăng vượt bậc.

DCM có quý thứ 3 liên tiếp lãi ròng trên ngàn tỷ

Nằm trong nhóm doanh nghiệp lãi ngàn tỷ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) báo lợi nhuận ròng quý 2 gần 1.07 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Tuy nhiên trên thực tế, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty giảm 2%, còn còn 5.5 ngàn tỷ đồng, do giá cao su thế giới giảm so với cùng kỳ, trong khi giá vốn tăng đáng kể. Cơ sở để GVR đạt lãi ròng tăng trưởng nằm ở doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi chênh lệch tỷ giá) và hoạt động thanh lý cây cao su, cũng như tiết giảm mạnh chi phí trong kỳ.

Một số doanh nghiệp khác cũng có kỳ kinh doanh tươi sáng, như LIX lãi tăng 74%, CSV (102%), DDV (186%). Cá biệt có Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) lãi ròng tăng mạnh lên 478 tỷ đồng - con số rất lớn so với mức lỗ hơn 160 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp DHB báo lãi lớn sau thời gian dài thua lỗ. Theo Công ty lý giải, mức lợi nhuận tăng cao chủ yếu nhờ diễn biến thị trường phân bón thuận lợi, qua đó giúp doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngậm ngùi giảm lãi

Những doanh nghiệp hóa chất báo lãi giảm trong quý 2/2022
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp phải chấp nhận nhìn kết quả kinh doanh đi xuống đáng kể. Như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) bất ngờ báo lỗ ròng gần 46 tỷ đồng sau 8 quý liên tiếp có lãi. Cùng kỳ năm trước, LTG lãi hơn 45 tỷ đồng.

Sau 8 quý liên tiếp có lãi, LTG bất ngờ lỗ ròng 46 tỷ đồng trong quý 2/2022

Doanh thu trong kỳ của LTG tăng khá mạnh, lên 30% so với cùng kỳ (3.5 ngàn tỷ đồng), đồng thời đạt lợi nhuận gộp tăng trưởng 6% (372 tỷ đồng). Tuy nhiên các khoản chi phí hoạt động và chi phí tài chính leo thang đã khiến Công ty mất trắng thành quả, buộc phải báo lỗ lần đầu tiên kể từ quý 1/2020.

An Tiến Industries (HOSE: HII) cũng kết thúc quý 2 bằng những con số đi xuống, với lãi sau thuế hợp nhất chỉ đạt 21 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 38%. Lý do đưa ra là vì khoản cổ tức nhận được từ công ty con kỳ này thấp hơn, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Ngay cả “ông lớn” Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) hay Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) cũng ngậm ngùi báo lãi giảm, khi lãi ròng giảm lần lượt 7% và 5% so với cùng kỳ. Cụ thể, LAS lãi ròng quý 2 chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng, trong khi BFC là 55 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp cũng chung cảnh nhìn lợi nhuận ròng giảm mạnh sau khi kết thúc quý 2. Có thể kể đến như FIT (-86%), SBR (-45%), NET (-32%)…

Nửa cuối năm và những rủi ro

Nhìn về 6 tháng cuối năm, một số doanh nghiệp cho rằng, tình hình kinh doanh có thể gặp khó khăn vì nhiều rủi ro. DCM nhận định, với dự báo tăng trưởng kinh tế chung đang xấu đi, nhiều sản phẩm hàng hóa sẽ tăng lên và sức mua của người dân giảm. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng tiếp tục làm giá dầu, giá năng lượng lên cao, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Không chỉ vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu dự báo sẽ gây ra những tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá nông sản chưa được cải thiện nhiều, trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng.

Hồng Đức

FILI