Soi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết

Trong 63 doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch kinh doanh đầu tiên năm 2022, có 35 doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận tăng, 24 doanh nghiệp đặt kế hoạch ở mức giảm, 2 doanh nghiệp đi ngang và 2 doanh nghiệp mong muốn thoát lỗ. 

Soi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết

Trong 63 doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch kinh doanh đầu tiên năm 2022, có 35 doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận tăng, 24 doanh nghiệp đặt kế hoạch ở mức giảm, 2 doanh nghiệp đi ngang và 2 doanh nghiệp mong muốn thoát lỗ. 

Mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục

Một nửa số doanh nghiệp trong nhóm đặt kế hoạch tăng trưởng dự kiến thu về hơn ngàn tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Đầu tiên là Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) với mục tiêu doanh thu thuần đạt 140,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6,350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm trước. Đây là mục tiêu cao nhất từ trước đến nay của đơn vị này.

Kế đến là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) và Tổng Công ty Viglacera (HOSE: VGC) cũng đặt kế hoạch cao kỷ lục, lần lượt là 3.5 ngàn tỷ đồng lãi sau thuế (tăng 39%) và 1.7 ngàn tỷ đồng lãi trước thuế (tăng 10%).

Thay mặt nhóm chứng khoán, Chứng khoán MB (HNX: MBS) cũng lần đầu tiên kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hơn ngàn tỷ đồng, tăng 50% và doanh thu trên 3,000 tỷ đồng, tăng 35%.

Doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 trên ngàn tỷ đồng (Đvt: Tỷ đồng)
(*) Lợi nhuận trước thuế

Ở chiều ngược lại, Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) chỉ đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 12,000 tỷ đồng, giảm 7%.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) cũng hạ 20% chỉ tiêu lãi sau thuế, xuống còn 7,039 tỷ đồng và doanh thu đi ngang, hơn 80,000 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo GAS đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lại thêm xuất hiện đơn vị kinh doanh cạnh tranh trực tiếp sản phẩm khí (LNG) và dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao. Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG (các kho quy mô) trong nước cũng có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung, khách hàng…

Tương tự, Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HOSE: BCM) cũng đồng loạt hạ mục tiêu lợi nhuận.

Doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 tăng trưởng bằng lần (Đvt: Tỷ đồng)
(*) Lợi nhuận trước thuế

Dẫn đầu nhóm đặt kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần là Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) với mức tăng 341%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. AAM cho biết, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn. Ảnh hưởng xấu từ dịch COVID-19 vẫn còn lớn, nhất là việc tăng chi phí đầu vào và biến động lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, nạn cạnh tranh không lành mạnh trong ngành như bán phá giá, tranh giành khách hàng… vẫn còn tiếp diễn đã làm giá đầu vào tăng nhanh trong khi giá bán không theo kịp. Trong khi đó nhà xưởng, trang thiết bị đã đến hạn cần đầu tư nâng cấp với chi phí cao cũng là một khó khăn của AAM.

Tương tự, Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HOSE: TEG) lên kế hoạch thu về gần 156 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2022 khi mà các năm gần đây, con số lợi nhuận của doanh nghiệp này chưa bao giờ vượt qua 50 tỷ đồng. Đây cũng là kế hoạch cao nhất từ trước đến nay của TEG.

Để hiện thực hóa mục tiêu lợi nhuận, TEG cho biết, Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm như Dự án Khu nghỉ dưỡng Suối nước nóng Hội Vân, Dự án điện gió Hướng Hóa 1… Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu tham gia vào các gói thầu xây lắp tại một số dự án bất động sản mà Tập đoàn TTVN làm chủ đầu tư…

Top 20 doanh nghiệp đầu tiên đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 tăng trưởng
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: Tác giả tổng hợp
(*) Lợi nhuận trước thuế

Kế hoạch thận trọng

Tuy thắng lớn trong năm vừa qua, song, nhóm doanh nghiệp ngành phân bón lại khá “dè dặt” với kế hoạch kinh doanh 2022.

Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNXPCE) dự kiến chỉ đem về hơn 2,908 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm trước và lãi trước thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm 73%. Trong khi đó, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 13%, lên mức 358,000 tấn.

Theo PCE, thị trường phân bón năm 2022 dự báo sẽ có nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là giá phân bón có thể đảo chiều bất cứ thời điểm nào. PCE cho biết, giá phân bón trong quý 1 tiếp tục duy trì ở mức cao theo giá Ure thế giới khi nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt do hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc, Nga. Tuy nhiên, với giá phân bón tăng cao bất thường, xác lập những kỷ lục mới trong năm 2021, khả năng sẽ có những đợt giảm giá mạnh trong năm 2022, tạo thành rủi ro về giá và tồn kho.

Về phía mình, Phân Bón và Hóa Chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNXPSE) cũng đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt giảm hơn 7% và xấp xỉ 70%, xuống còn 2,882 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả sẽ là 11%.

Top 20 doanh nghiệp đầu tiên đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 giảm (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: Tác giả tổng hợp
(*) Lợi nhuận trước thuế

Mong thoát lỗ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Du lịch Đồng Nai (UPCoM: DNT) đã có một năm 2021 kinh doanh thua lỗ. Đây là lần đầu DNT lỗ kể từ 2009. Sang năm nay, Công ty kỳ vọng đạt doanh thu 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 6 tỷ đồng.

Theo nhận định của DNT, du lịch vẫn là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết, khiến các doanh nghiệp du lịch phải chuyển hướng tập trung sang phát triển du lịch nội địa. Tình hình cạnh tranh và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng là những thách thức trong năm 2022.

Tương tự, sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, Thép Việt Ý (HOSEVIS, sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 22/4 tới) đặt mục tiêu sẽ có lãi trước thuế hơn 3 tỷ đồng trong năm 2022. VIS nhận định giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số nước Châu Âu tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tiên Tiên

FILI