Tăng trần 5 phiên liên tiếp, vốn hóa VNG vượt 21.000 tỷ đồng

Bất chấp thị trường giảm mạnh, cổ phiếu VNZ của “kỳ lân” công nghệ VNG vẫn duy trì phong độ ổn định khi chỉ khớp lệnh đúng 100 đơn vị tại mức giá trần 587.500 đồng/cp, cao nhất sàn chứng khoán. Giá trị giao dịch chưa đến 60 triệu đồng nhưng đủ giúp vốn hóa của VNG tăng thêm gần 2.750 tỷ qua đó vượt mốc 21.000 tỷ đồng.

Đây đã là phiên thứ 5 liên tiếp cổ phiếu VNZ tăng trần với cùng một kịch bản. Theo quy định từ UBCKNN, tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch sẽ phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên.

Văn bản này liệu có thể giải mã được hiện tượng lạ trên cổ phiếu VNZ hay lại là “văn mẫu” như nhiều doanh nghiệp khác là “các giao dịch được thực hiện theo nhu cầu thị trường, Công ty không có tác động đến giá cổ phiếu” . Câu trả lời sẽ có trong vòng 24h sau khi kết phiên 7/2.

Tăng trần 5 phiên liên tiếp, vốn hóa VNG vượt 21.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Như vậy, sau 5 phiên trần với tổng khối lượng khớp lệnh chỉ 500 đơn vị, giá trị vốn hóa thị trường của VNG đã tăng gấp hơn 2,4 lần so với thời điểm đầu tháng 2. Với tốc độ tăng chóng mặt, vốn hóa của “kỳ lân” này đã gấp 3,3 lần CMC Group và đang dần thu hẹp khoảng cách với “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghệ là FPT.

Cổ phiếu tăng nóng, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của CEO Lê Hồng Minh cũng theo đó tăng thêm 1.225 tỷ đồng chỉ sau vài ngày, vượt mức 2.000 tỷ đồng và bám sát các lãnh đạo cấp cao của FPT trên bảng xếp hạng các tỷ phú công nghệ.

Đà tăng kỳ lạ của cổ phiếu VNZ diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của VNG không mấy khả quan. Năm 2022, doanh nghiệp công nghệ này lỗ ròng lên đến 1.315 tỷ đồng trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG.

Tăng trần 5 phiên liên tiếp, vốn hóa VNG vượt 21.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Các khoản đầu tư khác vào Telio, Funding Asia, và Ecotruck cũng đều lỗ.

Ngoài ra, VNG còn khoản lỗ của cổ đông không kiểm soát 457 tỷ đồng nhiều khả năng đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Thời điểm 31/12, khoản đầu tư vào Zion ghi nhận hơn 2.963 tỷ đồng, tăng 1.082 tỷ đồng sau một năm. Hiện tại, VNG đang nắm giữ 69,98% cổ phần của Zion.

Xem thêm tại cafef.vn