Tập đoàn Hòa Bình, Apax English, Thủy sản Vĩnh Hoàn...bị "tuýt còi" vì chưa công bố báo cáo tài chính quý

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vừa có công văn nhắc nhở hàng loạt doanh nghiệp niêm yết về việc vi phạm quy định về công bố thông tin.

Trong danh sách này gồm có những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Tập đoàn FLC; Thủy sản Vĩnh Hoàn VHC, Tập đoàn Dầu khí An Pha; Nhựa Đông Á (DAG); Công ty CP Đầu tư Apax English của Shark Thủy; Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC); Đầu tư Sao Thái Dương; Xây dựng Điện Việt Nam và Phát triển Điện lực Việt Nam.

Theo HoSE, căn cứ quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 14 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán "Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày từ ngày kết thúc quý....

Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp báo cáo, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vẫn chưa nhận được Báo cáo tài chính quý 4/2022 của các công ty trên và nhắc nhở, đề nghị khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.

Tập đoàn Hòa Bình, Apax English, Thủy sản Vĩnh Hoàn...bị "tuýt còi" vì chưa công bố báo cáo tài chính quý - Ảnh 1

Chậm công bố báo cáo tài chính tất nhiên không phải là chuyện mới trên thị trường chứng khoán, hầu như quý nào, năm nào cũng xuất hiện những doanh nghiệp xin hoãn công bố, chậm công bố, chỉ khác nhau ở số lượng.

Quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP nêu rõ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hàng năm, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm. Mức phạt này được đánh giá là không "thấm" dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp vẫn vi phạm nhiều năm nay.

Những trường hợp chủ động xin gia hạn thời gian công bố thông tin tài chính, dù về pháp lý không bị xử phạt nhưng việc chậm công bố đã đặt ra vấn đề về bất cân xứng thông tin trên thị trường và khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư chậm hơn. Trong khi đó, dịch diễn biễn phức tạp suốt gần 2 năm nay, những tình huống này cũng đã phải được các doanh nghiệp đưa vào kịch bản từ trước để kịp thời ứng phó, tránh vi phạm chứ không phải nước đến chân mới chạy.

"Tôi đề xuất các nhà quản lý thị trường nên đưa ra quy định để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính. Các nhà quản lý thị trường cần siết chặt hơn công tác quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói chung chứ không phải là cổ đông lớn là nắm quyền quyết định hết. Cần nâng cao mức phạt đối với các vi phạm ví dụ như vi phạm công bố thông tin... Đối với nhà đầu tư cá nhân, trước khi xuống tiền mua cổ phiếu cũng nên tìm hiểu rõ về lịch sử công bố thông tin của doanh nghiệp để xem chắc chắn đó có phải là doanh nghiệp minh bạch hay không?", một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Ngoài ra, HoSE cũng có công văn nhắc nhở Công ty CP Traphaco và Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái về việc chậm công bố tình hình quản trị công ty.

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 96 ngày 16/11/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán "Công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ Lục V ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm và kết thúc năm dương lịch.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp báo cáo, HoSE vẫn chưa nhận được báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 và nhắc nhở đề nghị hai công ty trên khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.

Xem thêm tại vneconomy.vn