Thắng kiện hai DN Hàn Quốc trong vụ VNPT EPAY, công ty truyền thông VMG hoàn nhập dự phòng 720 tỷ đồng, lãi kỷ lục gần 800 tỷ, EPS hơn 38.100 đồng

Một đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông vừa công bố lợi nhuận sau thuế đột biến trong quý 4/2022, đạt 750 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty báo lỗ hơn 600 tỷ đồng.

Đó là Công ty cổ phần Truyền thông VMG (mã chứng khoán: ABC), nổi tiếng với vụ kiện bị đòi bồi thường gần 760 tỷ đồng của đối tác Hàn Quốc sau khi chuyển nhượng cổ phần VNPT EPAY, công ty dịch vụ thanh toán điện tử.

VMG đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022, nguyên nhân chính đến từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng 720 tỷ đồng, theo thuyết minh báo cáo tài chính. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 38.124 đồng. Trước đó, VMG đã trích lập dự phòng lần lượt 210 tỷ đồng và 612 tỷ đồng trong hai năm 2020, 2021; gây ra khoản lỗ sau thuế 178 và 590 tỷ đồng.

Thắng kiện hai DN Hàn Quốc trong vụ VNPT EPAY, công ty truyền thông VMG hoàn nhập dự phòng 720 tỷ đồng, lãi kỷ lục gần 800 tỷ, EPS hơn 38.100 đồng - Ảnh 1.

Cơ sở của việc hoàn nhập đến từ việc Hội đồng xét xử toà án cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bố "không công nhận" và "không cho thi hành" Phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore tại phiên toà phúc thẩm ngày 17/1/2023. Trước đó, vào cuối năm 2021, Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC) giành chiến thắng trong vụ kiện VMG đòi bồi thường 756 tỷ đồng, quyết định được đưa ra bởi Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore.

GPS và UTC, đều có trụ sở tại Hàn Quốc, là hai nhà đầu tư mua toàn bộ 62,25% cổ phần VNPT EPAY do VMG sở hữu năm 2017. Năm 2019, GPS và UTC thông tin cho rằng VMG đã "không trung thực" về tình hình tài chính của EPAY và EPAY đã "tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật" tại Việt Nam. Điều này dẫn đến quyết định mua không chính xác của hai nhà đầu tư Hàn Quốc. Phía VMG đã ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 321 tỷ đồng năm 2017, lớn nhất so với giai đoạn trước đó.

Sau khi hoàn nhập, VMG vẫn còn ghi nhận khoản dự phòng phải trả 101 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022 liên quan đến các nghĩa vụ thuế theo yêu cầu đền bù (của GPS, UTC) và phát sinh phạt sau thanh tra thuế tại EPAY.

Cả GPS và UTC đều không còn là cổ đông VMG sau năm 2022, trong khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ 28,3%. Hiện tại, các vấn đề còn trao đổi giữa VMG và GPS/UTC liên quan đến câu chuyện bồi thường thuế.

VMG đạt doanh thu thuần 1.388 tỷ đồng năm 2022, giảm 9% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp đạt 103 tỷ đồng, tăng 75%.

Xem thêm tại cafef.vn