Thanh ray đầu tiên của tuyến đường sắt 70 tỷ USD có biến tham vọng tỷ phú Trần Đình Long thành hiện thực?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), ông Trần Đình Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt trong 5 - 10 năm tới, đặc biệt là phát triển "cú đấm thép" Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.

Ông Long cho biết Hòa Phát sẽ không mở rộng sản xuất các sản phẩm thép thông thường, vì những sản phẩm này "tương đối dễ làm". Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm thép chất lượng cao và nghiên cứu những loại thép mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Đáng chú ý, Chủ tịch Trần Đình Long hé lộ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2. “Ông trời bắt Hòa Phát làm điều khó”, người đứng đầu Hòa Phát chia sẻ.

Theo đó, Hòa Phát đã khởi động các bước đầu tiên và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Vị tỷ phú này cũng hy vọng khi Đảng và Chính phủ quyết tâm xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Hòa Phát sẽ tham gia thầu cung cấp thép cho dự án.

‘Ông trời’ bắt Hòa Phát làm việc khó: Thanh ray đầu tiên của tuyến đường sắt 70 tỷ USD có biến tham vọng tỷ phú Trần Đình Long thành hiện thực?
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã khởi động các bước đầu tiên và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Dõi theo tiến trình của dự án Dung Quất 2, ban lãnh đạo công ty cho biết đã hoàn thành 80% tiến độ giai đoạn 1 và 50% giai đoạn 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó HPG sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV/2025.

Như vậy, Hòa Phát đã vượt qua hơn nửa chặng đường đầu tư cho dự án Dung Quất 2 với nhiều hạng mục quan trọng đang dần hoàn thiện. Theo chia sẻ từ Chủ tịch Trần Đình Long, đây cũng là thời điểm Tập đoàn bắt đầu triển khai nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Việc tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép chất lượng cao mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn. Nếu trúng thầu cung cấp thép cho dự án này, Hòa Phát sẽ gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, đồng thời đóng góp vào sự phát triển hạ tầng chiến lược của quốc gia.

Dự án đường sắt cao tốc không chỉ thay đổi diện mạo giao thông của Việt Nam mà còn tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km và tốc độ vận chuyển lên tới 350km/h. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 65 - 70 tỷ USD. Toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Việt Nam đã tích lũy nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển có hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại. Ông cũng nhận định thời điểm đầu tư dự án này đã chín muồi với tiềm lực kinh tế hiện tại, nguồn lực không còn là thách thức lớn. Bộ GTVT đề xuất khởi công đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang dài 642km vào năm 2027 và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2035.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn