Thêm 5 phiên bật trần, MCG giải thích… y như cũ

Sau 5 phiên liên tiếp giá cổ phiếu tăng trần từ 28/11-02/12, CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG (HOSE: MCG) đã có văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Thêm 5 phiên bật trần, MCG giải thích… y như cũ

Sau 5 phiên liên tiếp giá cổ phiếu tăng trần từ 28/11-02/12, CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG (HOSE: MCG) đã có văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Cụ thể, trong văn bản giải trình giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 28/11-02/12, MCG cho biết trong giai đoạn này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Giá cổ phiếu tăng đến từ nhu cầu của thị trường; quyết định mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư, nằm ngoài kiểm soát của Công ty. Doanh nghiệp cũng khẳng định không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu MCG trên thị trường chứng khoán.

2 giai đoạn cổ phiếu bật trần liên tiếp của MCG

Văn bản giải trình lần này của MCG tương tự văn bản giải trình cho giai đoạn tăng trần trước đó, từ 16-22/11. Khi ấy, giá cổ phiếu MCG cũng tăng trần 5 phiên liên tiếp, và lý do đưa ra cũng vì “cung cầu thị trường”, “do nhà đầu tư quyết định” và “Công ty không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch”.

2 văn bản giải trình "sinh đôi" của MCG, khác biệt duy nhất nằm ở thời gian.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp công bố văn bản giải trình như… văn mẫu đã không còn là vấn đề xa lạ. Ngày 16/05/2022, UBCKNN đã có công văn hướng dẫn các sở giao dịch về việc yêu cầu các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên, trong thời hạn 24h. Đây là giải pháp nhằm ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch sau nhiều vụ thao túng giá bị phanh phui. Có điều, giải thích khi giá cổ phiếu có biến động bất thường là điều không dễ dàng, dẫn tới việc doanh nghiệp giải trình theo cách rất chiếu lệ, không có gì thực sự hữu ích cho nhà đầu tư. Hầu hết văn bản chỉ dừng lại ở mức giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường và khẳng định doanh nghiệp không có tác động gì tới sự biến động đó.

Vô hình trung, việc giải trình theo văn mẫu khiến thị trường nghiễm nhiên công nhận đó là bình thường.

Nói về MCG, trong quý 3, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng 45%, lên 9.7 tỷ đồng; nhưng lỗ ròng hơn 2.3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.7 tỷ đồng. Nguyên nhân đưa ra là vì máy phát điện của công ty liên kết là CTCP Đầu tư Thủy điện An Pha bị hỏng, dẫn đến doanh thu phát điện giảm không đủ bù chi phí và bị lỗ.

MCG có nhiều quý thua lỗ

Trên thị trường, cổ phiếu MCG vẫn đang trong diện kiểm soát vì lỗ ròng trong 2 năm 2020 và 2021, lần lượt là 9.33 tỷ đồng và 36.78 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cho biết lợi nhuận 9 tháng năm 2022 là 125 triệu đồng, có thể khắc phục được tình trạng lỗ theo năm. Ngoài ra, Công ty dự kiến quý 4/2022 sẽ tái cấu trúc vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con hoặc liên kết hoạt động kém hiệu quả để giảm tổn thất, bổ sung vốn lưu động cho các công trình; đẩy nhanh các dự án xây dựng, phát điện thương mại; đẩy nhanh thu nợ để hoàn nhập trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi. Công ty kỳ vọng có lãi trong năm 2022 để qua đó cải thiện tình trạng bị kiểm soát.

Kết phiên 05/12, giá cổ phiếu MCG tiếp tục tăng trần lên mức 3,320 đồng/cp.

Hồng Đức

FILI