Thị trường không thuận lợi, Sao Ta báo lãi ròng quý 4 giảm 26%

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) có bước đi “chậm rãi” ở quý 4/2022 khi chỉ đem về hơn 78 tỷ đồng lãi ròng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường không thuận lợi, Sao Ta báo lãi ròng quý 4 giảm 26%

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) có bước đi “chậm rãi” ở quý 4/2022 khi chỉ đem về hơn 78 tỷ đồng lãi ròng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

FMC cho biết nguyên nhân chính khiến lãi sau thuế quý 4 giảm do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC cũng bị trầm lắng, dẫn đến doanh số bán giảm.

Kết quả kinh doanh hợp nhất của FMC trong quý 4 và lũy kế năm 2022 (Đvt: Tỷ đồng)

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần của FMC giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,211 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm hơn 15%, khiến lãi gộp sụt giảm 23%, còn 154.5  tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 14% xuống 13%.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính nhảy vọt lên gần 36 tỷ đồng (gấp 2.2 lần cùng kỳ), mức tăng chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh hơn, lên hơn 38 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ).

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19%, lên hơn 32.5 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm hơn phân nửa, còn hơn 36 tỷ đồng.

Hệ quả, FMC có kỳ kinh doanh đi lùi, với lãi ròng đạt hơn 78 tỷ đồng, giảm 26%.

Lũy kế năm 2022, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ, đạt gần 5,702 tỷ đồng và lãi ròng tăng 15%, đạt 307.5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thủy sản chiếm tới 96% tổng doanh thu, đạt hơn 5,488 tỷ đồng (tăng gần 7%). Còn lại là doanh thu bán hàng nông sản đạt gần 214 tỷ đồng (tăng hơn 42%).

Nguồn: Tổng hợp từ Sao Ta

Năm 2022, FMC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5,290 tỷ đồng (tăng 11.3% so với thực hiện năm 2021) và 320 tỷ đồng (tăng 10.7%). Với kết quả đạt được, Công ty đã vượt gần 8% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 3% chỉ tiêu lãi trước thuế 2022.

Tổng tài sản tính đến 31/12/2022 gần 3 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm nhẹ 1% còn 929 tỷ đồng, với gần 710 tỷ đồng là thành phẩm (tăng 7%).

Cân đối kế toán của FMC tại ngày 31/12/2022
(Đvy: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Kỳ này, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng vọt, đạt 455.5 tỷ đồng (gấp 2.4 lần đầu năm), phần tăng chủ yếu đến từ dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta chiếm 85% tổng chi phí, đạt hơn 377 tỷ đồng (gấp 4.6 lần đầu năm).

Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 gần 874 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn 515.5 tỷ đồng (tăng 24%) và dư nợ vay dài hạn hơn 10 tỷ đồng (gần như đi ngang so với đầu năm).

Vốn chủ sở hữu đạt gần 2,115 tỷ đồng (tăng 7%), bao gồm gần 675 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tăng 26%).

Trước đó, ngày 05/01/2023, Chủ tịch HĐQT FMCHồ Quốc Lực chia sẻ năm 2023, khi các thị trường lớn hết sức yên ắng, nhất là bão tuyết cuối năm 2022 ở Mỹ ít nhiều làm giảm sức tiêu thụ, khiến tồn kho chưa giải phóng kịp thời… FMC vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng so với hoàn cảnh chung vẫn là điểm sáng.

Năm 2023, ao nuôi tôm sẽ nhiều hơn, nhà máy mới khởi động từ đầu năm, tập dợt đội ngũ cho phương án tăng tốc khi thời cơ đến, kho hàng được xem xét để giảm thiểu tối đa chi phí. Song song đó, Công ty luôn coi trọng cho lâu dài, phấn đấu cho mục tiêu doanh nghiệp bền vững ổn định lâu dài.

Thế Mạnh

FILI