Thứ bậc lợi nhuận ngân hàng tiếp tục xáo trộn trong nửa đầu năm

Dù sơ kết lợi nhuận nửa đầu năm 2022 của các ngân hàng mang nhiều gam màu tươi sáng, các chuyên gia dự báo bức tranh này sẽ “tối màu” hơn ở 6 tháng cuối năm.

Thứ bậc lợi nhuận ngân hàng tiếp tục xáo trộn trong nửa đầu năm

Dù sơ kết lợi nhuận nửa đầu năm 2022 của các ngân hàng mang nhiều gam màu tươi sáng, các chuyên gia dự báo bức tranh này sẽ “tối màu” hơn ở 6 tháng cuối năm.

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2022 đạt 63,872 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước nhờ thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng 17%, đạt 105,664 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 13%, còn 29,290 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Trong đó, 17/27 ngân hàng báo lãi trước thuế tăng so với cùng kỳ năm trước, nhờ nguồn thu chính cộng thêm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng tăng thấp hơn thu nhập hoặc giảm trong quý 2.

Ở chiều ngược lại, 10/27 ngân hàng có lãi trước thuế đi lùi do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Nguồn: VietstockFinance

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đạt 132,072 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng năm trước nhờ thu nhập lãi thuần tăng 18%, đạt 203,761 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ 1%, còn 54,845 tỷ đồng.

Từ mức nền thấp trong nửa đầu năm 2021, Eximbank là nhà băng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 khi đạt 1,903 tỷ đồng, tương ứng tăng 2.4 lần. Đóng góp lớn vào kết quả EIB trong năm nay là nhờ thu nhập lãi thuần tăng 48% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 35%.

Đứng vị trí thứ hai về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm nay là SHB, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,848 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ nguồn thu chính tăng cùng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.

Những ngân hàng có lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do phải tăng mạnh trích lập dự phòng trong khi nguồn thu chính giảm hoặc tăng thấp.

Thứ bậc lợi nhuận tiếp tục xáo trộn

Nguồn: VietstockFinance

Dù để tuột khỏi tay ngôi vị quán quân lợi nhuận trong quý 1 năm nay, Vietcombank (VCB) đã nhanh chóng lấy lại “phong độ” ở quý 2 và giành lại ngôi quán quân lợi nhuận 6 tháng khi đạt trên 17.3 ngàn tỷ đồng.

Trật tự mới về lợi nhuận một lần nữa có sự thay đổi khi giờ đây “Big 4” ngân hàng không hẳn chỉ dùng cho những anh lớn gốc “Nhà nước”, mà thay vào đó là các nhà băng tư nhân. Trong đó, VPB đạt thành tích 15,323 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đến 70% so cùng kỳ, giữ ngôi vị á quân. Theo sau là Techcombank, thu được 14,106 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 22%. Kế đến là MBB đạt 11,896 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 49%.

Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận ngân hàng phân hóa

Nguồn: VietstockFinance

Năm 2022, Saigonbank (SGB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 176 tỷ đồng, tăng 28%, nhà băng này đã sắp cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm với tỷ lệ thực hiện 93%.

Theo sau SGB, VietCapital Bank (BVB), Eximbank (EIB) và LienVietPostBank (LPB) là 3 nhà băng có tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm 2022 ở mức cao trong nửa đầu năm, từ 75-79%.

Trong khi đó, một số nhà băng lại có tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận thấp khi tỷ lệ chỉ từ 24 - 37% sau nửa chặng đường.

Bức tranh lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ “tối màu” hơn?

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán SSI Research dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2021 tương đối thấp.

Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15-16%.

SSI Research cũng dự báo những nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng, các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.

Dù vậy, các ngân hàng đều kỳ vọng có lợi nhuận tốt nhờ những thông tin tích cực. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, có 72.5 - 80.7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 3 và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước.

Trong quý 3, có 54.6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý 2. Ngoài ra, có 38.9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 6.5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Trong năm 2022, có 87.7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm trước. Bên cạnh đó, vẫn có 8.5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5.8% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3.8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Khang Di

FILI