Thuế VAT và giá xăng

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tái khởi động sau dịch COVID-19, thế nhưng chưa kịp hồi sinh thì nhiều “mối nguy” tiếp tục đe dọa.

Thuế VAT và giá xăng

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tái khởi động sau dịch COVID-19, thế nhưng chưa kịp hồi sinh thì nhiều “mối nguy” tiếp tục đe dọa.

Sau khi sản xuất và kinh doanh đình trệ do thời gian dài bị giãn cách xã hội cũng như phòng chống dịch thì giờ đây doanh nghiệp đang dần mở cửa trở lại, nhưng với tâm thế dè chừng và vẫn rất cẩn trọng. Người dân hay đúng hơn là tiêu dùng của các hộ gia đình - một trong những thành phần cấu thành nên tổng cầu của nền kinh tế - sau thời gian dài mất việc giờ đây lại chi tiêu dè sẻn hơn.

Ai lợi, ai thiệt?

Để kích cầu kinh tế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng được áp dụng từ ngày 01/02/2022.

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

Bên cạnh đó, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều gặp nhiều khó khăn thì việc giảm 2% thuế VAT được xem là một trong những chính sách có tác động nhất thời đến mọi giao dịch trên thị trường.

Đầu tiên, người dân hay người tiêu dùng cuối cùng các hàng hóa, dịch vụ sẽ có lợi. Khi giảm thuế từ 10% xuống 8%, phần thuế trên mỗi hàng hóa gánh chịu đã giảm xuống, lúc này giá bán lẻ hàng hóa cũng giảm theo.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng sẽ giảm được số thuế giá trị gia tăng phải nộp khi một số mặt hàng được giảm thuế.

Tất nhiên chính sách này sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo ước tính của Bộ Tài chính, giảm thuế VAT sẽ làm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 hụt khoảng gồm 49,400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều trường hợp phát sinh không theo lý thuyết. Dẫn chứng trường hợp từ một quán cafe có thương hiệu nổi tiếng tại Sài Gòn. Trước khi giảm thuế, một ly nước được ưa chuộng tại quán này có giá 45,000 đồng/ly, giá đã bao gồm 10% thuế VAT. Sau khi áp dụng chính sách giảm thuế từ phía Nhà nước, cũng tại quán cafe này với cùng loại nước uống đó, giá vẫn là 45,000 đồng/ly, giá đã bao gồm thuế VAT 8%.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, có nhiều mặt hàng niêm yết giá trước đây (tính luôn thuế VAT 10%) không hề giảm khi áp dụng mức thuế VAT mới là 8%.

Như vậy, vô hình trung, giá sản phẩm trước thuế ở đây đã được đẩy lên, không phải người tiêu dùng cuối cùng được hưởng chính sách giảm thuế, mà chính doanh nghiệp đó được hưởng lợi trong trường hợp này.

Mức giảm thuế không đủ bù mức giá hàng hóa tăng theo giá xăng?

Ở góc nhìn vĩ mô, việc thực hiện giảm thuế VAT là một công cụ trong chính sách tài khóa mà Chính phủ sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Song, một vấn đề phát sinh là giá xăng trong thời gian qua tăng chóng mặt có thể khiến nền kinh tế đặt vào một rủi ro khác, mà trước mắt là “bóng ma” lạm phát khi giá cả hàng hóa tăng mạnh.

TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là một trong những biện pháp bắt buộc Chính phủ phải hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước mắt thì giá xăng tăng đột biến lại là ưu tiên hàng đầu cần hỗ trợ, bởi vì toàn thể nền kinh tế đều chịu tác động từ doanh nghiệp, đến tiêu dùng của người dân. Chính phủ cần đưa ra gói hỗ trợ giá xăng nhanh nhất có thể.

Đó là gói ngắn hạn, vì chúng ta tin rằng cuối cùng xăng dầu cũng giảm về mức hợp lý. Gói hỗ trợ này không cần lâu, nhưng cần nhanh và ngay lập tức để tạo nguồn lực hỗ trợ trực tiếp và niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, để cùng nỗ lực và vượt lên trong nền kinh tế hiện nay. Nói về tính cấp thiết thì gói hỗ trợ này rất quan trọng”, TS. Hiển khẳng định.

Theo ước tính từ Tổng Cục Thống kê, GDP Việt Nam có thể giảm 0.5 điểm phần trăm nếu giá xăng dầu tăng 10%. Đối với năm 2022, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30-40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1.2-1.5 điểm %.

Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, giá xăng tăng sẽ làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 mà Chính phủ đang triển khai (nhất là chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, khiến giảm thu ngân sách, mục tiêu tăng trưởng khó khăn hơn trong khi lạm phát vẫn tăng cao).

Giải pháp nào trong ngắn hạn?

Có rất nhiều chi phí gắn liền với xăng cần phải tạm thời tiêu thụ, đây không phải giá thành, giá thành là giá xăng thế giới nhập về, cộng các chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng, bán lẻ, ra giá xăng bán lẻ cuối cùng. Nhưng giá xăng mà người tiêu dùng đang mua còn cộng thêm nhiều chi phí như chi phí quỹ đường bộ hay các phí môi trường. Những chi phí này đều nằm trong ngân sách. 

Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang gánh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%), thuế nhập khẩu 8%, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 3,800-4,000 đồng với xăng, 2,000 đồng với dầu, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Theo TS Đinh Thế Hiển, giá xăng càng tăng, người dân, doanh nghiệp tất cả đều chịu thiệt, Chính phủ không cần nghĩ đến ngân sách nào khác đề bù đắp cho giá xăng tăng như gói hỗ trợ kích thích kinh tế cho doanh nghiệp, chỉ cần tạm thời không thu một số chi phí gắn vào giá xăng bán lẻ, giúp cho giá xăng đưa về mức hợp lý là đủ. Nhưng lưu ý là phải làm nhanh và trước mắt có thể chỉ cần đưa ra trong kế hoạch 3 tháng tới.

Đây mới là điều cần thiết để giá xăng hạ nhiệt, đảm bảo được kế hoạch hỗ trơ nền kinh tế của Chính phủ. Còn hiện tại, giảm thuế VAT về 8% vẫn chưa tương xứng, vẫn chưa nhận diện được việc kiềm giữ giá xăng để phát triển kinh tế.

Cát Lam

FILI