Tiềm năng nào ở HPG, TPB, QTP?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị khả quan với HPG nhờ triển vọng của thị trường thép trong nửa cuối năm 2021; nâng giá mục tiêu của TPB do kỳ vọng vào sự phục hồi hậu Covid-19; mua QTP do khả năng Công ty tăng tỷ lệ chi trả cổ tức trong tương lai.

Tiềm năng nào ở HPG, TPB, QTP?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị khả quan với HPG nhờ triển vọng của thị trường thép trong nửa cuối năm 2021; nâng giá mục tiêu của TPB do kỳ vọng vào sự phục hồi hậu Covid-19; mua QTP do khả năng Công ty tăng tỷ lệ chi trả cổ tức trong tương lai.

HPG khả quan với mức giá mục tiêu 54,000 đồng/cp

Theo CTCK SSI, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thép thô của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tăng 55% so với cùng kỳ lên hơn 4 triệu tấn. Thép xây dựng tăng 22% so với cùng kỳ lên 1.8 triệu tấn. Sản lượng HRC đạt 1.3 triệu tấn, tăng 90% so với nửa cuối năm 2020 nhờ lò cao thứ 4 tại Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động trong tháng 1/2021.

Trong quý 2/2021, tỷ suất lợi nhuận gộp của HPG đạt mức cao trong lịch sử với 32.6%. Giá thép xây dựng và HRC trong nước đạt mức cao nhất trong tháng 5, lần lượt tăng 24% và 48% so với đầu năm, sau đó điều chỉnh khoảng 8-12% trong 2 tháng tới do xu hướng giá thế giới, nhu cầu trong nước chững lại và việc chính phủ sẵn sàng kiểm soát giá thép trong nước. Tuy nhiên, tính trung bình, giá thép xây dựng và HRC vẫn lần lượt tăng 49% và 94% so với cùng kỳ, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận tăng đáng kể.

Trong tương lai gần, SSI kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của công ty có thể chịu áp lực từ việc giá thép giảm, nhưng tỷ suất lợi nhuận chung của HPG trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể được duy trì ở mức cao hơn so với nửa cuối năm 2020 do giá thép cao hơn so với cùng kỳ, cũng như mảng HRC mang lại biên lợi nhuận tốt hơn.

Đối với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế nhập khẩu thép xây dựng 5%, từ 15% -20% xuống khoảng 10% -15%, và cũng đang xem xét khả năng tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%, SSI cho rằng việc này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của HPG. Cụ thể, về mặt nhập khẩu, SSI ước tính lượng nhập khẩu trong năm 2020 và trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ chiếm chưa đến 1.5% tổng sản lượng tiêu thụ. Vì vậy, CTCK này cho rằng mức thay đổi 5% sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến giá nhập khẩu. Ngoài ra, lưu ý rằng ngay cả khi loại trừ tất cả các loại thuế nhập khẩu, giá thép xây dựng của Việt Nam vẫn thấp hơn giá nội địa của Trung Quốc khoảng 20%.

Mặt khác, việc tăng thuế xuất khẩu thêm 5% có thể khiến giá bán phôi thép ròng giảm. Tuy nhiên, SSI dự báo tỷ trọng phôi bán ra trong tổng sản lượng sản xuất thép thô của HPG sẽ giảm từ 30% trong năm 2020 và 16% trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 10% trong nửa cuối năm 2021 và dưới 5% trong năm 2022. Do đó, tác động đến lợi nhuận tổng thể của Công ty sẽ không đáng kể.

Ngoài ra từ năm 2022, SSI nhận định tỷ suất lợi nhuận của HPG sẽ được cải thiện nhờ Công ty đã công bố sẽ mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley ở Úc, với trữ lượng ước tính khoảng 320 triệu tấn và công suất hàng năm là 4 triệu tấn, tương đương hơn 30% nhu cầu hiện tại. Với mỏ sắt mới, tổng chi phí sản xuất và vận chuyển là 110-120 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức giá trên thế giới hiện tại là khoảng 180 USD/tấn. Ngoài ra, HPG cũng đang xem xét mua lại các mỏ quặng sắt khác ở Australia để nâng công suất tự cung cấp lên 50% trong thời gian tới.

Từ những tiềm năng trên, SSI khuyến nghị HPG khả quan với giá mục tiêu 54,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

TPB: Giá mục tiêu 42,964 đồng/cp

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) hiện đã nhận được khoản bổ sung tín dụng 5.9% và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng hạn mức tín dụng 2021 lên 17.4%, chủ yếu nhờ hệ số CAR (Basel II) cao ở mức 12.85%. Tuy tăng trưởng tín dụng tháng 7/2021 có chậm lại và tháng 8 khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng trên nhiều tỉnh thành, nhưng tình hình trong 1-2 tháng tới có thể được cải thiện nếu Ngân hàng  tận dụng tốt khoản bổ sung.

BVSC nhận thấy một số yếu tố có thể giúp TPB duy trì NIM trong thời gian tới, bao gồm: tối ưu hóa hơn nữa tỷ lệ LDR vốn đang thấp, hiện tại là 64.8%; thâm nhập sâu hơn vào các phân khúc có lợi suất cao hơn (như cho vay mua nhà thế chấp, nhờ tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho các khoản vay trung và dài hạn hiện ở mức thấp 17.5%); và cải thiện CASA, đặc biệt là ở mảng ngân hàng cá nhân nhằm duy trì tăng trưởng CASA bền vững hơn, trong khi đó cũng cải tiến hệ thống ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút nhiều khách hàng và tiền gửi hơn.

Xu hướng tăng trưởng cho vay khách hàng TPB

Cuối quý 2/2021, nợ xấu Nhóm 3-5 của TPB giảm xuống còn 1.15% (giảm 4 điểm % so với quý trước và giảm 3 điểm % so với cùng kỳ), chủ yếu do khối khách hàng doanh nghiệp có xu hướng tăng, trong khi nợ xấu từ khách hàng cá nhân vẫn ở mức kiểm soát. Nợ cần chú ý (Nhóm 2) giảm xuống 1,938 tỷ đồng (giảm 10.7% so với quý trước nhưng tăng 19.4% so với cùng kỳ).

Dư nợ tái cấu trúc cuối quý 2/2021 giảm đáng kể xuống 1,268 tỷ đồng (giảm 27.2% so với quý trước), TPB ước tính tổng chi phí dự phòng theo Thông tư 03 là hơn 400 tỷ đồng. TPB đã trích khoảng 30% trong quý 2/2021 như theo quy định, và để ngỏ khả năng sẽ trích đầy đủ trong năm nay nếu tình hình dịch kiểm soát tốt hơn.

Chi phí dự phòng quý 2/2021 tăng đáng kể 38.6% so với cùng kỳ, lên 612.2 tỷ đồng (tăng 56.6% so với quý trước). TPB đã xóa 400.5 tỷ đồng nợ xấu trong quý 2/2021, nâng tổng số nợ xấu đã xóa 6 tháng đầu năm lên 710.1 tỷ đồng, giúp Ngân hàng có cơ hội ghi nhận hoàn lập các khoản hoàn lập sau này, đặc biệt là sau khi dịch kết thúc, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của TPB.

Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 144.8% so với 134.2% trong quý 4/2020.

Bên cạnh đó, TPB đã được sự chấp thuận của cổ đông về việc chia vốn thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu (9.33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư chiến lược và chuyên nghiệp. Ban lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ giá phát hành có thể là trung bình giá giao dịch cộng thêm premium. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc phát hành thành công sẽ giúp TPB gia tăng vốn Cấp 1, củng cố tiềm năng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.

Từ những luận điểm trên, BVSC khuyến nghị giá mục tiêu của TPB ở mức 42,964 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua QTP với giá mục tiêu 20,700 đồng/cp

Theo CTCK Thành Công (TCSC), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) có nhiều động lực để chi trả cổ tức cao hơn kể từ năm 2020 và đã có các động thái về mặt kế toán nhằm giúp công ty chi trả cổ tức cho năm 2020 do trong năm vừa qua, QTP đã thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định từ 10 năm lên thành 15 năm. Do đó, chi phí khấu hao TSCĐ mỗi năm sẽ giảm từ 1,900 tỷ đồng xuống còn khoảng 1,000 tỷ đồng mỗi năm, giúp lãi sau thuế của QTP tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng, tạo dư địa tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.

Ngoài ra, dòng tiền dồi dào khoảng 1,600 – 2,000 tỷ đồng/năm trong khi nợ vay sắp hết khiến cho QTP đang trở thành “cỗ máy in tiền”. Tiền mặt của QTP tính đến hết năm 2020 lên đến hơn 1,300 tỷ đồng (khoảng 3,000đ/cp). Hiện nay, QTP vẫn đang còn 10% cổ tức năm 2020 chưa chia.

Bên cạnh đó, triển vọng của nhiệt điện than cũng đang được duy trì ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá than đầu vào tại các nhà máy nhiệt điện than vẫn duy trì ổn định quanh mức 1.6 triệu/tấn. Khoảng cách giữa giá thị trường điện bình quân và giá vốn nguyên liệu đầu vào được duy trì quanh mức 100đ/kWh, đủ để các nhà máy có thể cạnh tranh trên thị trường điện, mặc dù không tốt bằng năm 2019. TCSC cho rằng khoảng cách này sẽ tiếp tục được cải thiện khi các nguồn năng lượng truyền thống khác đang gặp khó khăn, thị trường điện dần cân bằng hơn do nguồn điện từ năng lượng tái tạo không còn đột biến như cuối năm 2020, tăng trưởng sản lượng điện đang dần quay trở lại.

Riêng QTP, Công ty tọa lạc tại Phường Hà Khánh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong 3 khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao ở Quảng Ninh giúp cho sản lượng tiêu thụ điện ở khu vực này luôn tăng trưởng ở mức hai chữ số. Bên cạnh đó, QTP còn nằm ở vị trí có trữ lượng than lớn nhất cả nước, giúp cho việc nhập than, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của QTP rất ổn định trong suốt giai đoạn 2014-2020, trung bình đạt được khoảng 1,200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do nợ vay của QTP trong giai đoạn này chủ yếu là ngoại tệ nên chi phí tài chính liên tục biến động mạnh, khiến cho lợi nhuận sau thuế của QTP không ổn định. Tính đến tháng 6/2021, dư nợ vay của QTP chỉ còn 2,785 tỷ đồng và chủ yếu là bằng VND. Do đó, kết quả kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện và ổn định hơn so với giai đoạn trước đây.

Với những tiềm năng kể trên, TCSC khuyến nghị mua QTP với giá mục tiêu 20,700 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Thượng Ngọc

FILI