Tiền ít, thị trường hạ nhiệt, vốn ngoại suy yếu

Thay đổi đáng chú ý trong giao dịch sáng nay là độ rộng từ chỗ tăng áp đảo chuyển dần sang đỏ lan rộng. Đi kèm với đó là thanh khoản không tăng được. Đây là hiệu ứng của việc thiếu dòng tiền đuổi giá lên và nâng đỡ vùng giá cao.

Dù VN-Index có thể bị tác động nhất định từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng khi độ rộng thu hẹp dần nghĩa là số lớn cổ phiếu cũng trở nên tiêu cực. Đó phải là kết quả của trạng thái thiếu cầu nói chung.

VN-Index đạt đỉnh lúc 10h10, tăng khoảng 2,7 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,25%. Độ rộng của chỉ số là 240 mã tăng/97 mã giảm, thể hiện một trạng thái giá khá mạnh. Diễn biến này cũng không bất thường vì chiều qua thị trường có một nhịp đảo chiều khá bất ngờ. Tuy vậy đến cuối phiên sáng, độ rộng co lại chỉ còn 137 mã tăng/221 mã giảm.

VN-Index và VN30-Index cùng đảo chiều giảm xuống dưới tham chiếu lúc 10h30, độ rộng tổng thể sàn HoSE lúc đó vẫn còn tốt, với 222 mã tăng/124 mã giảm. Điều này cho thấy có sức ép sớm từ nhóm cổ phiếu blue-chips. Quả thực cổ phiếu trong VN30 đảo chiều sớm hơn, nhóm dẫn dắt rất đuối.

VCB giảm ngay từ lúc mở cửa sau phiên chớm vượt đỉnh hôm qua và duy trì mức giảm khá mạnh trong cả ngày. Chốt phiên sáng cổ phiếu này đang ở sát mức thấp nhất phiên, giảm 1,35% so với tham chiếu. Cũng phải nhấn mạnh rằng ở thời điểm thị trường mạnh nhất, trừ VCB và OCB, tất cả 25 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều tăng giá, chứng tỏ VCB quay đầu điều chỉnh không có ảnh hưởng nhiều. Đến cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 6 mã tăng giá, trong đó STB , TPB là blue-chips duy nhất tăng rõ rệt 1,17% và 1,24%.

Loạt trụ khác của VN-Index sáng nay cũng kém: VIC giảm 2,68%, MSN giảm 2,8%, HPG giảm 2,84%, VHM giảm 1,56%... Cả rổ VN30 cũng chỉ sót lại 8 mã tăng và tới 22 mã giảm. 11 mã trong nhóm này giảm trên 1%, chỉ số đại diện rổ giảm 0,75%, mạnh hơn hẳn các nhóm cổ phiếu khác: Midcap giảm 0,45%, Smallcap giảm 0,16%.

VN-Index đang chốt ở mức thấp nhất phiên sáng.
VN-Index đang chốt ở mức thấp nhất phiên sáng.

Hiện trên cả sản HoSE đang có 88 cổ phiếu chốt dưới tham chiếu từ 1% trở lên, ngược lại số tăng trên 1% có 50 mã. Như vậy tổng thể mức giảm cũng không quá mạnh. Tuy nhiên nếu đua giá cao thì mức thiệt hại trong sáng nay nhiều hơn. Thống kê cho thấy khoảng 60% số cổ phiếu phát sinh giao dịch ở sàn này đã tụt giảm hơn 1% giá trị so với giá đỉnh của ngày.

Thanh khoản hai sàn niêm yết cũng chỉ tăng nhẹ 1% so với sáng hôm qua, đạt 3.838 tỷ đồng. HoSE tăng 3%, đạt gần 3.502 tỷ đồng. Đây là phiên sáng thứ 3 liên tiếp mức thanh khoản của HoSE dưới ngưỡng 4.000 tỷ, cho thấy sau phiên giảm sốc ngày 1/2 vừa qua, dòng tiền đã co hẹp lại đáng kể. Trong 4 phiên tạo đỉnh ngắn hạn cuối tháng 1/2023, thanh khoản HoSE các buổi sáng đều trong ngưỡng 5.000-6.000 tỷ đồng.

Trong nhóm tăng giá nổi bật hơn 1% sáng nay, rất hiếm cổ phiếu đạt thanh khoản tốt. Giao dịch trong nhóm này chỉ chiếm khoảng 26% giá trị khớp lệnh của HoSE, và cũng chỉ có 13 mã đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Một vài đại diện tiêu biểu là FRT tăng 4,79% giao dịch 133,8 tỷ; DGW tăng 2,68% giao dịch 25,4 tỷ; VCI tăng 2,39% giao dịch 80,6 tỷ.

Khối ngoại cũng hạ nhiệt, chỉ mua vào 348,6 tỷ đồng trên HoSE, giảm 14% so với sáng hôm qua. Đây là ngưỡng mua kém nhất trong 21 phiên sáng vừa qua. Mức bán ra đạt 350,7 tỷ đồng, tương ứng bán ròng khoảng 2,1 tỷ. Dù khối này đột nhiên mua ít đi nhưng thông thường buổi chiều sẽ giao dịch năng động hơn. STB là cổ phiếu duy nhất được mua ròng đáng chú ý, với 68,5 tỷ. Phía bán ròng có HPG -28,7 tỷ, VCB -20,5 tỷ là đáng kể.

Xem thêm tại vneconomy.vn