Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên chia sẻ ‘bí kíp’ chọn một cổ phiếu tốt: Đừng ham rẻ, đừng tin ‘lùa gà’ mà hãy bỏ thời gian tìm hiểu
Khi tham gia talk show The Invetors, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đã có những chia sẻ thú vị xung quanh chiến lược M&A của doanh nghiệp này. Ngoài ra, từ những thương vụ M&A thành công đó, ông Trần Lệ Nguyên cũng chia sẻ đến bạn đọc sự giống và khác nhau giữa việc chọn công ty M&A và việc sàng lọc cổ phiếu trên thị trường để đầu tư.
Theo đó, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng đối với M&A công ty thì cần trả lời câu hỏi: Kido có am hiểu về lĩnh vực đó không và mua về có tạo ra giá trị không? Nếu mua một công ty mà không tạo ra giá trị thì không khác gì việc mua một con gà mà nó không đẻ được trứng.
Thứ hai, Kido sẽ nghiên cứu về hệ sinh thái. Công ty mua về có kết hợp tốt với hệ sinh thái hiện có để tạo ra giá trị gia tăng, tạo thêm khách hàng…, có lợi ích cho mình hay không. Yếu tố thứ ba Kido xem xét là số tiền mặt doanh nghiệp đó có thể mang về cho tập đoàn mỗi ngày
“Trên thị trường có rất nhiều công ty được giao bán. Tuy nhiên tôi cho rằng mình cần kiên nhẫn chờ đợi những doanh nghiệp mang lại giá trị mình mong muốn. Đó là lý do chúng tôi đặt ra ba tiêu chuẩn trên”, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
CEO Kido lấy ví dụ về thương vụ Thọ Phát. Kido mua lại 68% cổ phần của công ty này nhưng 3 năm sau giá trị công ty tăng gấp 2-3 lần thì dàn lãnh đạo cũ vẫn vui vẻ. “Mùa Trung thu vừa rồi, anh Thọ (nhà sáng lập Thọ Phát) không ngờ là Thọ Phát đưa cho mình điều hành lại có kết quả tốt như vậy. Họ bán công ty đi, nhưng vẫn hạnh phúc vì giao đúng người. Một phần vì trên thị trường, người ta tin vào cá nhân ông Nguyên: ông Nguyên về thì sẽ làm tốt”, theo ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ
Một ví dụ khác là thương vụ M&A thương hiệu kem Wall’s. Trong giai đoạn 1996-2003 khi còn trong tay chủ cũ, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Tuy nhiên khi về với Kido thì tập đoàn biết cách khai thác thương hiệu này. “Kido mua lại thương hiệu kem Wall’s chỉ với ra hai mấy tỷ thôi. Nhưng ngày nay thương hiệu này đã có giá 400 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng), tăng gấp 400 lần vì chúng tôi biết cách khai thác tiềm năng”, ông Trần Lệ Nguyên cho biết.
Từ câu chuyện M&A của Kido, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng đối với nhà đầu tư cá nhân cũng nên có sự sàng lọc kỹ càng như vậy. Ông khuyên nhà đầu tư nên chọn những công ty bluechip hoặc đã xây dựng được thương hiệu uy tín để tránh rủi ro. Đầu tư có thể lãi hoặc lỗ nhưng mua cổ phiếu bluechip rủi ro sẽ thấp hơn.
“Tôi cho rằng nhà đầu tư không nên nghe theo những thông tin “lùa gà” để đầu tư vào các công ty có giá trị thấp (cổ phiếu penny). Những công ty này biến động khó đoán”, ông Trần Lệ Nguyên khuyến nghị. CEO Kido cũng cho rằng khi mua cổ phiếu penny thường phải rất nhạy bén, mua một thời gian là phải bán. Nhiều khi nhà đầu tư nghe những bên “lùa gà” đẩy giá lên rồi mua. Tuy nhiên khi có vấn đề xảy ra những bên “lùa gà” bán trước còn nhà đầu tư lại bán không kịp.
Ông Trần Lệ Nguyên cũng cho biết sai lầm thứ hai của nhà đầu tư là muốn bắt đáy và canh thời điểm thị trường xuống đáy. Thay vì bắt đáy, CEO Kido khuyên nhà đầu tư nên đầu tư vào những công ty có thương hiệu, có thị phần và có đội ngũ lãnh đạo tốt. Cổ phiếu của những công ty này có rủi ro thấp. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu bluechip thì cũng lắm là lỗ 20% thôi. Còn lúc có lãi thì trên 50%-60% là chuyện bình thường.
Điểm đáng lưu ý nữa là một công ty không có thanh khoản thì tài sản lớn bao nhiêu cũng không nên mua, kể cả cổ phiếu có rẻ hơn nhiều so với tài sản đang có. Tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ ngân hàng, trả nợ trái phiếu thì làm sao tạo ra giá trị cho nhà đầu tư được.
“Nhà đầu tư đừng nên ham cổ phiếu penny, mua rẻ và mong lãi nhiều”, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Cũng tại talk show, ông Trần Lệ Nguyên khuyến nghị thỉnh thoảng, nhà đầu tư cũng cần đánh giá lại danh mục đầu tư. Đối với những cổ phiếu mà chu kỳ này doanh nghiệp không có tăng trưởng đột phá thì nên bán đi. Bán đi mới có lãi. Một ngày nhà đầu tư chưa bán cổ phiếu thì vẫn chỉ là giấy thôi. Sau khi bán, tiền vào túi thì nhà đầu tư có thể đem đi đầu tư chỗ khác.
Không nên nắm giữ suốt một cổ phiếu trong thời gian quá dài và không định kỳ đánh giá lại dù đó là cổ phiếu tốt. Đó không phải là đầu tư, mà chỉ như một hình thức gửi tiết kiệm, sinh lãi tốt hơn ngân hàng. Đầu tư cổ phiếu là phải có ra có vào.
Nhà đầu tư phải biết P/E là gì và phải nhìn vào đó. Ví dụ FPT dù là một cổ phiếu tốt nhưng P/E đạt đỉnh rồi thì rất khó vượt đỉnh. Đến thời điểm P/E đạt đỉnh thì phải bán. Trăm mấy nghìn/cổ phiếu thì dù rất tốt nhưng nhà đầu tư có thể bán đi để mua cổ phiếu khác.
“Thời điểm ra vào cũng rất quan trọng. Nhà đầu tư phải theo dõi, xem báo cáo tài chính, quý này sao quý sau sao. Vì thế, mình không bao giờ đầu tư Bitcoin, bởi nếu không thấy số liệu nào hết thì làm sao dám đầu tư. Vàng cũng vậy luôn. Ví dụ như giờ nhóm bất động sản, thị trường bế tắc thì mua cổ phiếu nhóm này làm gì”, ông Trần Lệ Nguyên nêu quan điểm.
Còn về việc “game” cổ phiếu trên thị trường, CEO Kido cho rằng không phải là tự nhiên mà các nhà đầu tư có thể tạo được. Nếu tạo “game” mà ban lãnh đạo công ty không đồng ý, họ bán ra cổ phiếu thì những người kia chỉ có lỗ.
Vị doanh nhân này cũng khuyên cho nhà đầu tư cá nhân là nên tập trung vào cổ phiếu có uy tín và ít biến động, ít nhất là trong thời điểm này. Thời điểm tốt thì cổ phiếu nào cũng là tốt hết, nhưng không nên tham gia vào “game” của người khác vì rủi ro rất cao.
Một kinh nghiệm nữa khi đầu tư là phải quyết đoán. Nhận thấy không ổn là phải bán ngay, bán sạch luôn và không có thương tiếc.
“The Investors” là series talk show truyền cảm hứng do CafeF và Chứng khoán VPBank (VPBankS) đồng tổ chức, phát sóng vào 10h00 thứ Ba hàng tuần.
CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) là công ty chứng khoán duy nhất thuộc hệ sinh thái VPBank có vốn điều lệ hàng đầu thị trường, với quy mô 15.000 tỷ đồng. VPBankS cũng nằm trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường và có nhiều dư địa để tăng trưởng trong tương lai. Hơn thế nữa, VPBankS đã xây dựng hệ sinh thái toàn diện, tích hợp đầy đủ từ các sản phẩm đến nền tảng, dịch vụ được cá nhân hóa theo từng khẩu vị rủi ro, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu đầu tư của khách hàng.
Xem thêm tại cafef.vn