Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt đã tăng mạnh

Kết thúc tuần tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 5,83 điểm (-0,49%), xuống 1.175,67 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt 73.415,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,4% so với tuần trước, khối lượng giao dịch cũng chỉ tăng 4,3%.

Chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,02%), xuống 229,43 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX đạt hơn 5.466,7 tỷ đồng, giảm 6,4% so với tuần trước đó.

Trong tuần, thị trường trong nước gần như thiếu vắng thông tin vĩ mô đáng chú ý. Tuy nhiên, ở bên ngoài, có một số dữ liệu đáng quan tâm như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì chính sách lãi suất âm, với lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất 10 năm ở mức 0%.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% kể từ đầu tháng 2 tới, qua đó, có thể giải phóng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường.

Tại Mỹ, GDP của nước này được thông báo tăng 3,3% trong quý IV/2023, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và theo lạm phát. Con số này giảm so với mức tăng trong quý 3/2023 là 4,9% nhưng cao hơn ước tính của Phố Wall là 2%.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng sau giai đoạn tăng giá mạnh đã chịu áp lực điều chỉnh, phân hóa trong biên độ hẹp, như OCB (-2,67%), NAB (-1,91%), BID (-1,81%), EIB (-1,76%)... trong khi SSB (+2,31%), PGB (+1,67%), HDB (+1,67%), SHB (+1,65%)...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lại có diễn biến khá tích cực, nhiều mã tăng tốt, thanh khoản gia tăng như D2D (+15,22%), SIP (+10,92%), TIP (+5,88%), NTC (+4,7%)...

Thông tin kết quả kinh doanh tốt quý IV/2023 cũng đã hỗ trợ nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất, như LAS (+11,26%), DDV (+2,91%), CSV (+17,17%), VFG (+16,16%), HAG (+7,30%), HNG (+5,29%), MCM (+4,83%), săm lốp DRC (+5,89%)...

Trên sàn HOSE, cổ phiếu tân binh QNP của CTCP Cảng Quy Nhơn đã tăng vọt và đã có liên tiếp 7 phiên kể từ ngày chào sàn 18/1 tăng kịch trần. Tuy nhiên, thanh khoản lại rất thấp với chỉ vài trăm đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh phiên, ngoại trừ phiên 23/1 có hơn 100.000 đơn vị.

Mới đây, QNP đã có văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo lãnh đạo Công ty cho biết, việc này xảy ra do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu QNP nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là HCD, khi có tuần giao dịch khởi sắc sau khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 tích cực, với doanh thu thuần 258 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng, tăng tương ứng 41% và 93% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý lãi cao nhất của HCD kể từ khi lên sàn HOSE.

Các mã khác như CSV, D2D, VFG, TVB cũng nhận hiệu ứng tăng khá nhờ kết quả kinh doanh quý IV/2023 khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu TVB có tuần thứ hai liên tiếp lọt top những mã tăng tốt nhất sàn. Tuần trước TVB +14,9%.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh và liên tiếp có những phiên tăng trần. Điển hình như KSQ khi 7 trên 8 phiên gần nhất đều tăng hết biên độ, thanh khoản được cải thiện đáng kể so với thời gian trước đó, dù chỉ trên dưới 0,5 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Trong khi đó, ở phía bên kia, cổ phiếu TKG bị bán mạnh và đáng kể có hai phiên giảm sàn liên tiếp trong cuối tuần, sau khi tuần trước đã chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2023 tại mức 13.600 đồng/cổ phiếu.

Trên UpCoM, hai cổ phiếu D17 và NEM trỗi dậy với mức tăng hơn 100%. Tuy vậy, thanh khoản lại chỉ khoảng 100 đơn vị khớp lệnh/phiên đối với D17, còn NEM cũng chỉ hơn đôi chút với 300-400 đơn vị khớp lệnh/phiên, ngoại trừ hai phiên cuối tuần khớp 1.400-1.900 đơn vị.

Cổ phiếu TIE cũng tăng mạnh, thanh khoản cao hơn với trung bình trên dưới 50.000 đơn vị/phiên.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn