Trụ ngân hàng, chứng khoán, thép tăng giá tốt, vốn ngoại giải ngân ồ ạt

Thị trường đã cân bằng hơn trong phiên chiều nay, nhờ một đợt phục hồi giá khá mạnh. Vốn ngoại tăng mua, thậm chí có lúc kéo giá HPG lên kịch trần, hỗ trợ sức mạnh của những cổ phiếu trụ ngân hàng như VCB, BID, CTG. Riêng nhóm bất động sản vẫn chìm trong áp lực bán mạnh.

Đợt tăng cao nhất của VN-Index chiều nay đẩy chỉ số vượt tham chiếu 1,28% và đạt đỉnh lúc 2h10. Đó cũng là thời điểm HPG tăng kịch trần dưới lực mua mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu tính riêng giao dịch buổi chiều, HPG là cổ phiếu đáng chú ý nhất. VCB tuy vẫn vẫn cổ phiếu kéo điểm số khỏe nhất cả phiên, nhưng phần lớn mức tăng đã có từ sáng. Thậm chí chiều nay VCB còn tụt 1,26% so với giá chốt phiên sáng. Riêng HPG ghi nhận biến động tăng kỷ lục của rổ blue-chips VN30. Chốt phiên sáng HPG mới tăng 0,76%, chốt phiên tăng 5,57%. Như vậy riêng chiều giá mã này đã “bay cao” tới 4,77%.

Chiều nay HPG cũng thu hút được dòng tiền rất ấn tượng khi giao dịch thêm hơn 475 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với phiên sáng. Khối ngoại là động lực quan trọng khi đổ tiền vào mua dữ dội. Buổi sáng HPG mới có mức mua ròng nhẹ nhàng 29,5 tỷ đồng, kết phiên quy mô mua ròng vọt lên 159,2 tỷ đồng. Tính chung cả phiên, khối lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tại HPG chiếm 34,4% tổng lượng khớp. Các mã thép còn lại cũng tích cực: HSG tăng kịch trần 6,64%, NKG tăng sát trần 6,46%, POM tăng 1,83%, TLH tăng 5,3%...

Một cổ phiếu khác cũng được khối ngoại mua ròng lớn phiên chiều là STB. Từ mức mua ròng 75,9 tỷ đồng phiên sáng, khối này đẩy mức mua ròng lên 203,7 tỷ đồng thời điểm chốt phiên. Giá trị khớp lệnh của STB riêng chiều thậm chí còn lớn hơn HPG, đạt 495,9 tỷ đồng. Tính chung lượng của khối ngoại hôm nay cũng chiếm 34,2% thanh khoản STB.

Tuy cầu ngoại mua mạnh STB nhưng mã này lại bị nhà đầu tư trong nước ép rất nhiều. Từ khoảng 2h10 trở đi STB lao dốc liên tục. Tính từ thời điểm này đến hết đợt ATC, STB sụt giảm tới 3,48% giá trị và đóng cửa dưới tham chiếu 2,91%. Như vậy nhà đầu tư trong nước xả đã khiến STB đảo chiều từ tăng thành giảm.

Dù STB và một số cổ phiếu ngân hàng khác vẫn đỏ, nhưng các trụ ngân hàng thì đảm bảo sức mạnh để nâng đỡ chỉ số. VCB chốt phiên tăng 2,39% tiếp tục là trụ khỏe nhất, đem lại 2,7 điểm cho VN-Index. BID tăng 1,6%, CTG tăng 2,4%, TCB tăng 1,64%, HDB tăng 1,67% là các cổ phiếu ngân hàng khác nằm trong Top 10 mã kéo chỉ số. Các trụ còn lại là HPG, SAB, GAS và SSI.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán nhiều mã tăng rất tốt.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán nhiều mã tăng rất tốt.

Nhóm chứng khoán duy nhất SSI lọt vào Top 10 trụ vì vốn hóa khá cao, đồng thời giá tăng 2,36%. Tuy vậy nhóm chứng khoán cơ bản là mạnh, nhất là các mã lớn. HCM tăng 3,65%, VCI tăng 2,94%, VND tăng 1,74%, MBS tăng 2,94%, CTS tăng 2,22%, FTS tăng 2,14%...

Khối ngoại ngoài ngân hàng, thép, vốn ngoại cũng mua cổ phiếu chứng khoán dù mức độ kém hơn hẳn. HCM được mua ròng 24,2 tỷ đồng, SSI +25,5 tỷ, VND +13,4 tỷ.

Tính riêng chiều nay khối ngoại tung vào mua trên sàn HoSE tới 918,9 tỷ đồng trong khi bán ra 649,5 tỷ đồng. Như vậy sức mua từ dòng vốn này đã chiếm 18,4% tổng giá trị khớp của HoSE buổi chiều, cao hơn mức 16,1% trong phiên sáng. Tổng mức ròng cả ngày đạt 382,2 tỷ đồng, không phải quá lớn nhưng vẫn là nhiều nhất kể từ đầu tuần, đặc biệt là sau phiên hôm qua chỉ mua ròng có hơn 2,2 tỷ đồng.

Nhịp phục hồi chiều nay có sự lan tỏa khá tốt. Độ rộng từ chỗ chỉ là 93 mã tăng/260 mã giảm thời điểm cuối phiên sáng thì đóng cửa tới 210 mã tăng/188 mã giảm. Phiên sáng mới có 34 cổ phiếu tăng trên 1% thì chiều nay là 113 mã. Trong số 38 cổ phiếu tăng hơn 3% lúc đóng cửa thì nhiều mã thanh khoản tốt như HSG, NKG, HPG, LCG, KSB, HCM, HHV, giao dịch đều vượt 50 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản bị rớt lại phía sau, dù giá cũng cải thiện so với phiên sáng. NVL giảm 2,05%; NLG giảm 2,53%, DXG giảm 1,57%, PDR giảm 3,52%, KHG giảm 2,56%, HDG giảm 1,54%, VIC giảm 1,09%, VHM giảm 0,43%, VRE giảm 0,18%... Những khó khăn được nêu lên trong cuộc họp về tín dụng bất động sản đã không có giải pháp cụ thể. Thực ra đây không phải là cuộc họp hay đầu tiên hay những kiến nghị, khó khăn cũng đã được nêu đi nêu lại nhiều lần.

Nhờ lực cầu nước ngoài tăng lên trong buổi chiều, thanh khoản chung trên hai sàn niêm yết cũng tăng 57% so với buổi sáng, đạt 5.477,7 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là mức giao dịch nhỏ, khiến thanh khoản cả ngày hôm nay vẫn giảm 19% so với hôm qua, chỉ đạt hơn 8.962 tỷ đồng.

Xem thêm tại vneconomy.vn