Vận tải Thuận Thảo: Thập kỷ ‘gói gọn’ trong khoản lỗ… ngàn tỷ

Từng thắng lợi trong lĩnh vực vận tải, thế nhưng tất cả hào quang của CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT) đã bị dập tắt khi chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Phải chăng không bằng lòng với hiện tại lại mơ tưởng đến cái không thuộc về mình là nguyên nhân đẩy ước mơ rải hoa hồng của Thuận Thảo rơi vào ngõ cụt?

Vận tải Thuận Thảo: Thập kỷ ‘gói gọn’ trong khoản lỗ… ngàn tỷ

Từng thắng lợi trong lĩnh vực vận tải, thế nhưng tất cả hào quang của CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT) đã bị dập tắt khi chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Phải chăng không bằng lòng với hiện tại lại mơ tưởng đến cái không thuộc về mình là nguyên nhân đẩy ước mơ rải hoa hồng của Thuận Thảo rơi vào ngõ cụt?

Xuất thân từ tỉnh Phú Yên, bà chủ của GTT – Võ Thị Thanh – khởi nghiệp từ một tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985 - 1996 với lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải và thương mại. Sau hơn chục năm, đến tháng 1/1997, 2 vợ chồng bà Thanh đã thành lập Vận tải và Thương mại Thuận Thảo và Công ty nhanh chóng trở thành biểu tượng của tỉnh nhà khi tạo ra siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…

Đến tháng 6/2010, Thuận Thảo ghi thêm một dấu mốc quan trọng nữa là trở thành công ty duy nhất ở Phú Yên khi đó lên sàn và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Trong khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu hứng chịu hậu quả suy thoái kinh tế, thì tháng 7/2010, Thuận Thảo lại mạnh tay đầu tư thêm 20 xe giường nằm thế hệ mới nhất phục vụ theo phong cách “Hàng không trên mặt đất” nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp đến tháng 10/2010, GTT còn đưa vào hoạt động Nhà nuôi chim yến với diện tích 1,080 m2 và tháng 12/2010 triển khai các thủ tục về dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu diện tích 100 hecta.

Mát tay trong lĩnh vực đầu tư cốt lõi, bà chủ của Thuận Thảo đã giúp Công ty lọt Top 500 doanh nghiệp trên toàn thế giới nhận giải thưởng International Quality Crown Award do tổ chức Business Initiative Directions (BID) công bố hồi tháng 09/2011.

Giai đoạn năm 2006 - 2011, bà Võ Thị Thanh còn liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng. Đây cũng là một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và từng có tiếng tăm trên cả nước.

Từ năm 2008 - 2013, Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư lĩnh vực bất động sản với hàng loạt dự án như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... Thời gian đó, Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh Phú Yên.

Kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều, việc đầu tư dàn trải trong lúc thị trường bất ổn và ngành du lịch Phú Yên chưa có sự đột phá đã khiến Thuận Thảo bắt đầu những chuỗi ngày đen tối.

Chọn đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008-2009) để đầu tư mở rộng đã khiến cho tình hình kinh doanh của GTT các năm sau đó ngày càng sa sút. Mặc dù doanh thu có phần tăng trưởng trong năm 2011 nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh, còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong khi năm trước đạt gần 49 tỷ đồng.

Trong các năm 2011 và 2012, Thuận Thảo có một khoản phải thu cung cấp dịch vụ trị giá hàng trăm tỷ đồng đối với Thuận Thảo Nam Sài Gòn (thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản) nhưng không trích lập dự phòng. Năm 2013, khoản phải thu này được GTT chuyển thành khoản cho vay ngắn hạn 400 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng với lãi suất 14.4%/năm, được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của Thuận Thảo Nam Sài Gòn, sau đó điều chỉnh lại thành thời hạn 24 tháng.

Doanh thu năm 2013 cũng lao dốc xuống chỉ còn 285 tỷ đồng (giảm gần một nửa so với năm 2012). Nhờ sự “hào phóng” của Chủ tịch Võ Thị Thanh, xóa nợ hàng chục tỷ đồng đã giúp GTT may mắn thoát lỗ, ghi nhận lãi 703 triệu đồng trong năm 2013.

Đến năm 2014, GTT lần đầu báo lỗ 187 tỷ đồng và đánh dấu cho hành trình thua lỗ triền miên. Gánh nặng từ công nợ khiến Công ty không còn vốn lưu động để kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế, ngân hàng khiến năm 2016, GTT ôm lỗ kỷ lục gần 299 tỷ đồng.

Kịch bản kinh doanh từ 2017-2019 của GTT cùng lặp lại với con số lỗ mỗi năm vẫn trên hàng trăm tỷ đồng.

Khép lại nửa đầu năm 2020, GTT báo lỗ gần 53 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc GTT đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ… Bên cạnh đó, nguồn thu của GTT không đủ để bù đắp các khoản chi phí bất biến như chi phí khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí chậm nộp thuế.

Tính đến ngày 30/06/2020, con số lỗ lũy kế của GTT đã cán mốc 1,488 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1,042 tỷ đồng.

Trên trang chủ (website) của GTT vẫn còn hiển thị câu triết lý kinh doanh của doanh nghiệp:  “Uy tín tạo dựng thành công”. Thế nhưng chữ tín của GTT đã bị lùi vào quên lãng. Từ bờ sông nhỏ, Thuận Thảo vươn mình ra biển lớn nhưng cuối cùng không biết lường cơn sóng dữ nên bị nhấn chìm trong hố sâu của tham vọng.

Hào quang của Thuận Thảo đã lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho bộn bề của nợ nần. Những khoản nợ phải trả tăng nhanh qua từng năm.

Nợ Chủ tịch, nợ ngân hàng, nợ chữ tín… GTT còn nợ cổ đông một lời giải thích?

Năm 2019, con số nợ phải trả của GTT đã cán mốc 1,702 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu âm 989 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/06/2020, GTT ghi nhận chi phí phải trả ngắn hạn gần 872 tỷ đồng, đây  chính là lãi vay phải trả, tăng 6% so với con số đầu năm. Hiện GTT đang vay ngắn hạn Ngân hàng BIDV - Phú Tài hơn 81 tỷ đồng và vay dài hạn đến hạn trả gần 503 tỷ đồng.

Theo thuyết minh BCTC 6 tháng đầu năm 2020, GTT dùng vốn vay dài hạn này để đầu tư cho các hạng mục thuộc Công viên Văn hóa Du lịch Thuận Thảo và đầu tư dự án Resort. Tài sản thế chấp cho khoản vay của GTT tại BIDV Phú Tài bao gồm toàn bộ công trình là tài sản gắn liền với đất Trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo, khách sạn 5 sao 17 tầng.

Các khoản vay trên đều đã quá hạn thanh toán. BIDV Phú Tài cũng đã bán toàn bộ các khoản nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) kể từ 31/08/2015.

Ngày 09/04/2020, Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên thông báo kết quả xử lý tiền bán đấu giá tài sản kê biên khu Resort, theo đó số tiền thu được bán đấu giá là hơn 42 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản thi hành án và trả tiền thuê đất khu Resort thì số tiền còn lại hơn 40.6 tỷ đồng dùng để chuyển trả cho BIDV Phú Tài trừ nợ.

Hiện Cục thi hành án đang tiến hành xử lý các tài sản còn lại để trả nợ cho ngân hàng.

Sau 11 lần rao bán, mặc dù liên tục giảm giá nhưng khối tài sản thi hành án gồm khách sạn 5 sao và trung tâm hội nghị triển lãm của “đại gia” vận tải Thuận Thảo vẫn chưa có người mua.

Do đó, BIDV Phú Tài tiếp tục thông báo bán đấu giá khối tài sản thi hành án của GTT với mức giá khởi điểm 310.2 tỷ đồng.

Giữa tháng 5/2018, khoản nợ của GTT được rao bán lần đầu tiên với mức khởi điểm 845 tỷ đồng. Như vậy, so với mức giá lần đầu đưa ra đấu giá vào giữa tháng 5/2018 (845 tỷ đồng), giá khởi điểm của khối tài sản này đã giảm 63%. Mặc dù giá bán liên tục được điều chỉnh giảm nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào quan tâm.

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự Phú Yên có thông báo về kết quả xử lý tổng số 43.9 tỷ đồng thu được từ việc bán đấu giá tài sản kê biên khu resort Thuận Thảo của GTT. Sau khi trừ các chi phí, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chuyển 40.6 tỷ đồng còn lại cho BIDV Phú Tài để thi hành án.

Ngày 30/06/2010, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo chập chững lên sàn HOSE với giá chào sàn là 20,000 đồng/cp. Tuy nhiên sau đó, tụt về đáy 3,900 đồng/cp (30/11/2012) rồi bật tăng về mức 15,500 đồng/cp (24/01/2014).

Năm 2014 - năm đầu tiên GTT thua lỗ - cũng chính là năm thị giá GTT “cắm đầu” và cứ thế lao dốc không phanh, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Từ ngày 30/05/2016, GTT buộc phải nói lời tạm biệt với HOSE và chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM. Nguyên nhân do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Được biết trước đó, cổ phiếu GTT đã bị đưa vào diện bị kiểm soát và tạm ngừng giao dịch từ 17/03/2016 do lợi nhuận sau thuế năm 2014 và 2015 đều âm.

“Ôm” lỗ rời khỏi sàn HOSE, GTT giao dịch trở lại trên UPCoM vào ngày 07/06/2020 với giá đóng cửa phiên chào sàn 800 đồng/cp. Bên cạnh đó, cổ phiếu này còn bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần.

Trên thị trường, giá cổ phiếu GTT dường như không có thanh khoản và hiện đang giao dịch quanh mức 200 đồng/cp (chốt phiên 25/08/2020) - nằm trong top đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp có giá thấp nhất thị trường. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng có nhà đầu tư nào dám đặt cược vào và GTT có cầm cự nổi hay không khi con số lỗ ngày một tăng?

Nội dung: Tiên Tiên

Design: Tiên Tiên

FILI