VHI hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM vì chưa phải là công ty đại chúng

Một trong những nội dung được HĐQT CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (UPCoM: VHI) trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 là rút và hủy đăng ký giao dịch UPCoM.

VHI hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM vì chưa phải là công ty đại chúng

Một trong những nội dung được HĐQT CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (UPCoM: VHI) trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 là rút và hủy đăng ký giao dịch UPCoM.

Hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM vì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng

CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà là doanh nghiệp cổ phần hóa từ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Việt Hà. Cổ phiếu của Công ty được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận giao dịch trên thị trường vào cuối năm 2019, ngày giao dịch đầu tiên là ngày 08/01/2020.

Tuy đã đăng ký giao dịch trên UPCoM song Công ty Việt Hà vẫn chưa phải là công ty đại chúng. Đến ngày 19/01/2021, HNX thông báo trường hợp Công ty Việt Hà chưa được UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Theo quy định tại Nghị định số 155/2020, Công ty sẽ bị hủy đăng ký giao dịch sau 1 năm kể từ ngày Nghị định số 155 có hiệu lực (ngày 01/01/2021).

Tính đến ngày 13/05/2021, Trung tâm Lưu ký chứng khoán gửi Công ty Việt Hà danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán chỉ có 91 cổ đông (thấp hơn mức quy định 100 cổ đông).

Như vậy, Công ty Việt Hà là doanh nghiệp cổ phần hóa, đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM (ngày giao dịch đầu tiên vào ngày 08/01/2020) nhưng chưa phải công ty đại chúng. Do đó, Công ty có thể bị hủy đăng ký giao dịch sau 1 năm kể từ ngày 01/01/2021 (ngày Nghị định số 155 có hiệu lực).

Vì thế, HĐQT Công ty Việt Hà trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 xem xét thông qua và giao cho HĐQT thực hiện thủ tục rút, hủy đăng ký giao dịch UPCoM.

Lỗ lũy kế cuối năm 2020 hơn 45 tỷ đồng

VHI được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà (tiền thân là xí nghiệp nước chấm) vào năm 2017. Kể từ thời điểm hoạt động dưới hình thức CTCP, VHI chưa thực hiện tăng vốn điều lệ, do đó vốn điều lệ được giữ nguyên ở mức 769 tỷ đồng.

Từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM (08/01/2020), cổ phiếu VHI hoàn toàn không có thanh khoản nên thị giá nằm im ở mức 9,300 đồng/cp.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 10/05/2019, VHI có 3 cổ đông lớn gồm UBND thành phố Hà Nội là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 51.04% vốn Việt Hà, tiếp đến là Tổng Công ty Rau quả Nông sản sở hữu 36.1% và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không (VNI) sở hữu 12.56%. Tổng sở hữu của 3 cổ đông lớn chiếm đến 99.7% vốn của Việt Hà.

Từ thời điểm công bố cơ cấu cổ đông đến nay, các cổ đông lớn không có bất kỳ thông báo nào liên quan đến giao dịch cổ phiếu VHI.

Cơ cấu cổ đông của VHI tại ngày 10/05/2019
Nguồn: VHI

Năm 2020, VHI ghi nhận doanh thu thuần ở mức hơn 248 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu và sản lượng của sản phẩm chủ lực là bia đều sụt giảm từ ảnh hưởng kép của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100. Lợi nhuận sau thuế của VHI do đó chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm đến 93% so với năm 2019.

Với mức lãi thấp, HĐQT đề xuất không chia cổ tức mà sẽ dùng trích lập các quỹ và bù đắp lỗ lũy kế. Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế trên báo cáo hợp nhất công ty vẫn còn hơn 45 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh qua các năm và kế hoạch năm 2021 của VHI. Đvt: Tỷ đồng

Năm 2021, VHI nhận định ngành bia sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chậm do chịu tác động kép. Vì vậy Công ty đặt mục tiêu sản lượng bia tăng 23% so với năm 2020, lên mức 27 triệu lít, sản lượng rượu giảm 43%, còn 7,171 lít và sản lượng nước đóng chai tăng 20%, lên mức 1.22 triệu lít.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất tăng 11% so với năm 2020, đạt 658 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế được dự kiến đạt hơn 11 tỷ đồng, gấp 2.75 lần thực hiện năm 2020. Công ty tiếp tục không chia cổ tức để bù đắp lỗ lũy kế.

Khang Di

FILI