Vì sao nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp?

Doanh nghiệp thường muốn tạo thanh khoản cho cổ phiếu và huy động vốn khi lên sàn chứng khoán. Nhưng thực tế, nhiều cổ phiếu nhận được rất ít sự quan tâm, thậm chí không được nhà đầu tư biết đến.

Vì sao nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp?

Doanh nghiệp thường muốn tạo thanh khoản cho cổ phiếu và huy động vốn khi lên sàn chứng khoán. Nhưng thực tế, nhiều cổ phiếu nhận được rất ít sự quan tâm, thậm chí không được nhà đầu tư biết đến.

Theo dữ liệu thống kê của Vietstock, gần một nửa cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX (358 mã) và khoảng 2/3 cổ phiếu trên sàn UPCoM (788 mã) có khối lượng giao dịch bình quân (KLGDBQ) qua 1 năm dưới 10,000 cp/phiên. Trong đó, HNX có 5 mã và UPCoM có 137 mã có KLGDBQ là số 0 tròn trĩnh.

Đáng chú ý, không ít mã cổ phiếu nói trên có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức tiền mặt đều đặn. Vậy, thanh khoản thấp do đâu?

Về phía doanh nghiệp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu thanh khoản thấp hoặc gần như không có thanh khoản.

Với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lợi tức hấp dẫn, nguyên nhân thanh khoản thấp thường đến từ việc cơ cấu cổ đông quá cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch tự do ít, trong khi cổ đông hiện hữu muốn nắm giữ dài hạn nên hạn chế bán ra. Những ví dụ điển hình là May Xuất khẩu Phan Thiết (UPCoM: PTG), Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF), Bến xe Miền Tây (HNX: WCS),…

Bên cạnh đó, cổ phiếu thanh khoản thấp vì doanh nghiệp có quy mô hạn chế, không nổi bật và nhiều lợi thế cạnh tranh, hoạt động kinh doanh chưa thực sự hiệu quả, còn loay hoay đi tìm mũi nhọn và xây dựng nền tảng doanh nghiệp vững chắc, một số doanh nghiệp còn đang nghiên cứu để cải thiện sản phẩm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp mới được niêm yết - đăng ký giao dịch có thanh khoản cổ phiếu thấp vì nhà đầu tư ít có thông tin. Trong khi đó, các doanh nghiệp lên sàn lâu năm có thanh khoản cổ phiếu thấp vì còn nhiều vốn Nhà nước, tồn tại các vấn đề mang tính “đặc thù” như sự cồng kềnh của bộ máy và thủ tục hành chính, thiếu năng động trong quá trình đổi mới.

Và nhìn chung, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp chưa tốt, nhà đầu tư không có nhiều thông tin về các doanh nghiệp này. Doanh nghiệp có hoạt động IR tốt sẽ cập nhật tình hình hoạt động và phản hồi kịp thời thông tin liên quan, giúp nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp, thu hút thêm sự chú ý. Thông thường, dòng tiền luôn tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch và loại bỏ dần những khoản đầu tư yếu kém.

Về phía nhà đầu tư

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và đa số muốn tìm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn hơn là nắm giữ dài hạn những cổ phiếu hoạt động ổn định.

Các nhà đầu tư thường tìm đến những cổ phiếu được dòng tiền ưu ái trong các ngành "hot" và có mật độ thông tin dày đặc như bất động sản, ngân hàng… hay các mã có "sóng" vì dễ thanh khoản và kiếm lời hơn.

Thêm vào đó, lượng tiền ngắn hạn xoay vòng tạo nên tính thanh khoản thị trường thường tập trung chủ yếu tại sàn HOSE.

Làm gì để cải thiện thanh khoản?

Để nâng cao chất lượng DNNY, trước tiên, các quy định, tiêu chuẩn, chế tài cần chặt chẽ hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, cần phát triển đến một quy mô nhất định, hình thành đầy đủ các nền tảng, mục tiêu, chiến lược và tầm nhìn, từ đó mới đưa cổ phiếu lên niêm yết cho những mục tiêu lớn, giá trị hơn. Khi niêm yết hoặc giao dịch cổ phiếu, doanh nghiệp cần chú ý đến hoạt động IR.

Về phía nhà đầu tư, cần không ngừng học hỏi để có những khoản đầu tư chất lượng, lâu dài.

Gia Nghi

FILI