Việt Nam kiên cường trước suy thoái toàn cầu

Ông Yoo Dong Ho, Trưởng Văn phòng Hà Nội Công ty Luật JIPYONG LLC (Hàn Quốc)

Việt Nam, được mệnh danh là “cường quốc sản xuất mới”, đã đi đúng hướng để đạt được tỷ lệ tăng trưởng như trước thời kỳ Covid-19. Mặc dù viễn cảnh về kinh tế toàn cầu ngày càng khó đoán định và xung đột giữa Nga vào Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ sớm giảm leo thang, tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2023 vẫn được các chuyên gia dự báo là cao nhất Đông Nam Á. Tuy phải đối mặt với nhiều bất ổn khó lường, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường M&A hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tương lai tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Trong khi bất động sản, ngân hàng và tài chính, bán lẻ, logistics, chăm sóc sức khỏe và xây dựng tiếp tục là các lĩnh vực nổi trội thu hút các thương vụ M&A, thì năng lượng tái tạo đang dần xây dựng nền móng tại Việt Nam.

Với việc Chính phủ ban hành Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VII (Quy hoạch điện 7), các chính sách của Việt Nam ngày càng có xu hướng khuyến khích đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việc Bộ Công thương Việt Nam đưa ra mức giá điện ưu đãi feed-in-tariff (FiT) vào năm 2017 đã đóng góp đáng kể vào làn sóng M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu thống kê năm 2020 của Global Economy, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 16 trên toàn cầu về công suất điện năng lượng tái tạo, với 34,59 triệu KW, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ là 14,58 triệu KW.

Trước những diễn biến trên, các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng sự quan tâm đến Việt Nam để có được vị thế trên thị trường năng lượng trong nước. Trong giai đoạn 2018-2020, Super Energy Corporation Public Company (Thái Lan) bắt đầu tạo dựng ảnh hưởng của mình bằng cách từng bước mua lại nhiều nhà máy năng lượng mặt trời ở miền Nam Việt Nam. Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2022 đệ trình Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan, Super Energy Corporation Public Company hiện sở hữu 18 công ty về năng lượng tại Việt Nam.

Vào tháng 9/2022, EDP Renewables (Singapore) đã hoàn tất thương vụ trị giá 284 triệu USD để mua lại 2 nhà máy điện mặt trời (tổng công suất 255 MWp) tại tỉnh Ninh Thuận từ Tập đoàn Xuân Thiện. Thương vụ diễn ra sau khi công ty này mua lại Sunseap vào tháng 2/2022 trong một thương vụ khác trị giá 785 triệu USD để sở hữu nhiều dự án điện khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có một số dự án ở Việt Nam (theo Sunseap.com).

Sau cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), năng lượng tái tạo được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Đề xuất mới nhất của Bộ Công thương về Quy hoạch điện 8 dường như đã bật “đèn đỏ” đối với việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời mới cho đến sau năm 2030. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vẫn sẽ tiếp tục được chào đón vào các dự án phát triển điện gió.

Công nghệ là “con gà đẻ trứng vàng” mới

Thương vụ 44 tỷ USD giữa Elon Musk và Twitter được cho là điểm nhấn của M&A toàn cầu trong năm nay. Dù vậy, công nghệ từ lâu đã trở thành lĩnh vực nóng của M&A và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Dữ liệu cho thấy, trong vài năm gần đây, công nghệ đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, trải rộng trong các mảng thương mại điện tử, AI, fintech. Một số kỳ lân công nghệ đáng chú ý là VNG, VNPay, Sky Mavis, MoMo.

Năm 2019, một thương vụ fintech mang tính “đình đám” đã được khép lại sau khi VNLife (công ty mẹ của VNPay) đạt được cam kết rót vốn 300 triệu USD từ Quỹ GIC (của Chính phủ Singapore) và Quỹ Softbank Vision Fund.

Năm 2021, ông lớn trên nền tảng thương mại điện tử - Tiki đã gọi vốn thành công 258 triệu USD trong vòng gọi vốn series E từ 6 nhà đầu tư, trong đó có một vài cái tên như AIA Group, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, STIC Investment, Taiwan Mobile Co., Ltd.

Cùng năm 2021, Sky Mavis (cha đẻ của Axie Infinity, trò chơi kỹ thuật số dựa trên blockchain đầu tiên ở Đông Nam Á) đã gọi được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B từ các công ty đầu tư như Andreessen Horowitz, Accel Partners và Paradigm. Trước đó, tỷ phú người Mỹ Mark Cuban cũng đã cùng các nhà đầu tư khác rót 7,5 triệu USD vào kỳ lân công nghệ này trong một vòng gọi vốn series A.

Trong năm nay, SeaTown Private Capital Master Fund (thành viên của Temasek Holdings, Singapore) đã đầu tư 50 triệu USD vào OnPoint - một công ty hỗ trợ thương mại điện tử đứng sau tất cả các nền tảng tên tuổi như Lazada, Tiki, Shopee.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tập trung vào các dự án bất động sản

Diễn biến chung của thị trường bất động sản Việt Nam có thể sẽ tiếp tục chậm chạp, một số dự án bất động sản quy mô lớn của các chủ đầu tư tên tuổi trong nước bị đình trệ, một phần do Chính phủ kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngân hàng sau hàng loạt vụ bê bối đầu cơ đất đai.

Dù vậy, nhìn một cách tích cực, một số nhà đầu tư nước ngoài, đáng chú ý là những nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, coi đây là một cơ hội tuyệt vời. Khi nhu cầu về không gian kho bãi và trung tâm phân phối đang gia tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, như Samsung và CJ, đang quyết tâm dẫn đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần hiện đại, tiết kiệm năng lượng.

Daewoo E&C, công ty xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc và là chủ đầu tư của Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake) tại Hà Nội, đang khẩn trương đa dạng hóa các dự án của mình, bao gồm cả các dự án khu phức hợp đa năng và thành phố thông minh. Tập đoàn Lotte, gã khổng lồ bán lẻ của Hàn Quốc, đang dồn nguồn lực và tài lực cho các dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm và Lotte Mall Hà Nội.

Korea Land and Housing Corporation (LH), tập đoàn nhà nước của Hàn Quốc về bất động sản, dự kiến sẽ tổ chức Lễ động thổ Dự án khu công nghiệp sạch với quy mô hơn 140 ha tại Khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên.

Xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc có thể mở ra cánh cửa cho các cơ hội xuất khẩu nguyên liệu thô và logistics

Tại Việt Nam, cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư trong nước và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bởi lẽ tỷ trọng đầu tư của các nước này chỉ chiếm 0,2 - 0,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tính đến cuối năm 2021 (theo Tổng cục Thống kê Việt Nam).

Xung đột liên tục giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lạm phát tác động đến chi phí hàng hóa, logistics và sự biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu hàng đầu các loại ngũ cốc chính (như ngô, lúa mì...) sang EU, Trung Đông và Bắc Phi. Nếu tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra, các quốc gia cần sớm tìm ra các giải pháp thay thế và Việt Nam có thể cân nhắc tận dụng các cơ hội nảy ra từ các thị trường mới về thực phẩm và nông sản.

Kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào đầu năm 2018, tiếp đó là chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt được Trung Quốc áp dụng đã khiến các nhà sản xuất bắt đầu dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có nước láng giềng Việt Nam. Dưới ảnh hưởng này, dự kiến dịch vụ logistics sẽ được phát triển hơn.

Đi trước đón đầu, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực logistics. Năm 2018, Tập đoàn tài chính Mirae và Naver (Hàn Quốc) đã mua lại 2 trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) trong một thương vụ trị giá 47 triệu USD.

Năm 2019, Sumitomo cùng với Suzuyo và một quỹ đầu tư khác đã chi 4 tỷ yên (khoảng 37 triệu USD) để mua lại 10% vốn cổ phần của Gemadept JSC (công ty hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và hậu cần). Symphony International Holdings mua lại cổ phần của Indo Tran Logistics trong một thương vụ trị giá 42,6 triệu USD.

Năm 2020, Ryobi Logistics Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Ryobi, Nhật Bản) mua lại 16,8 triệu cổ phiếu mới và trở thành người nắm giữ 23,7% vốn của Transimex (TMS) - một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất Việt Nam.

Những thách thức của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích M&A

Tuy nhiên, những rào cản và trở ngại không cần thiết trong khuôn khổ pháp lý có thể cản trở hoạt động M&A tại Việt Nam. Ví dụ, Luật Cạnh tranh 2018 ra đời đã gia tăng sự giám sát của các cơ quan quản lý trong các giao dịch M&A. Luật mới đặt ra các ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế khá chặt chẽ, yêu cầu nhiều loại giao dịch M&A thuộc mọi lĩnh vực phải được cơ quan nhà nước thông qua, ngay cả khi giao dịch đó có tác động không đáng kể đến các thị trường liên quan. Điều này có thể trì hoãn việc kết thúc giao dịch trong nhiều tháng, hơn nữa có thể làm mất đi các chi phí cơ hội của nhà đầu tư.  

Trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề, việc đầu tư vào các dự án mới ở Việt Nam có thể gặp một số khó khăn trong vài năm tới, chủ yếu do việc gia tăng lãi suất và giảm giá trị định giá vốn chủ sở hữu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do gặp trở ngại từ chi phí đi vay để tài trợ cho các giao dịch M&A tăng cao, đang phải tạm dừng cuộc chơi và cố gắng tìm cách thu lợi từ các mức lãi suất cao hơn ở nước sở tại.

Mặc dù sự chững lại của thị trường M&A Việt Nam là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi hy vọng, suy thoái kinh tế tại Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn trước khi thị trường - như một chiếc lò xo bị nén - bung ra bởi nhu cầu ngày càng tăng cao ở cả trong và ngoài cường quốc sản xuất mới này.

Trong 3 quý đầu năm 2022, các thương vụ M&A toàn cầu đạt tổng giá trị khoảng 2.970 tỷ USD, với các thương vụ xoay quanh các lĩnh vực công nghệ (20%), tiện ích và năng lượng (11%), chăm sóc sức khỏe (9%), viễn thông (8%), dầu khí (7%) và bất động sản (6%) (theo Dealogic).

Tại Việt Nam, tổng giá trị các thương vụ tính đến tháng 10/2022 được báo cáo đạt mức 5,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tham gia phần lớn các thương vụ M&A, trong đó các giao dịch về tiêu dùng (~1,2 tỷ USD), bất động sản (~1 tỷ USD), công nghiệp (~800 triệu USD) và năng lượng (~600 triệu USD) chiếm hơn 50% tổng giá trị của các giao dịch. Trong khi mảng tiêu dùng và bất động sản tiếp tục sôi động, thì lĩnh vực năng lượng đang thu hút sự quan tâm đáng chú ý.

Xem thêm tại baodautu.vn