Vissan: Biên lãi gộp chưa cải thiện, lãi ròng 6 tháng đầu năm giảm 12%

Biên lãi gộp sụt giảm so với năm 2019 là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN) trong nửa đầu năm 2020.

Vissan: Biên lãi gộp chưa cải thiện, lãi ròng 6 tháng đầu năm giảm 12%

Biên lãi gộp sụt giảm so với năm 2019 là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN) trong nửa đầu năm 2020.

Sau 6 tháng đầu năm 2020, Công ty mẹ Vissan có lãi sau thuế 16.3 tỷ đồng, giảm 80% so cùng kỳ, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu và việc thực hiện hoàn nhập Quỹ khoa học công nghệ (20 tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2019.

Lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm của Vissan ghi nhận 88 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ. Công ty cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi đã góp phần làm cho mức giảm lãi sau thuế hợp nhất thấp hơn so với của Công ty mẹ. Như vậy, Vissan đã thực hiện 41% về kế hoạch doanh thu và 60% về kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2020 của Vissan
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của Vissan

Riêng trong quý 2, giá vốn gia tăng 17% khiến Công ty chỉ thu được 233 tỷ đồng lãi gộp, giảm 13%; qua đó dẫn đến kết quả lãi ròng thu hẹp 32% về mức 41 tỷ đồng. Có thể thấy được rằng, biên lãi gộp của Vissan trong nửa đầu năm 2020 thu hẹp so với năm 2019. Điều này khiến lợi nhuận đang có những bước đi lùi.

Tới cuối tháng 6, Vissan đang có tổng tài sản 1,976 tỷ đồng, xấp xỉ hồi đầu tháng 1, trong đó gần 74% là tài sản ngắn hạn. Công ty đã thu hẹp 20% khoản phải thu ngắn hạn và 12% giá trị hàng tồn kho sau 6 tháng, ngược lại gia tăng gần 39% tiền và các khoản tương đương tiền.

Ảnh hưởng của dịch Covid

Tại cuộc họp cổ đông thường niên 2020 (diễn ra ngày 18/06), ban lãnh đạo Vissan cho biết chuỗi cung ứng của Công ty bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tác động của dịch Covid-19. Đa số các nguyên phụ liệu mà Vissan sử dụng đều từ nông nghiệp như heo hơi, bò hơi. Một số phụ liệu phải nhập từ nước ngoài. Nhờ có kế hoạch dự trữ nguyên phụ liệu dài hạn nên nguồn nguyên liệu không bị ảnh hưởng, không có trường hợp bị gián đoạn nguyên liệu. Tuy nhiên trước việc dự trữ nguyên liệu, chi phí tồn kho và một số chi phí khác có tăng lên.

Ngoài ra, doanh thu của kênh truyền thống và hiện đại của Vissan trong giai đoạn các trường học, cơ quan đóng cửa khá nhiều nên đối với mặt hàng tươi sống có doanh thu giảm. Nhưng giai đoạn này cũng có thuận lợi là tâm lý của người tiêu dùng dự trữ hàng thực phẩm khá nhiều, đặc biệt là các sản phẩm chế biến khô, dễ bảo quản có doanh thu tăng.

Phía Vissan cho rằng, trong năm 2020, tình hình giá cả heo hơi vẫn còn ở mức cao, có những lúc ở Việt Nam tăng lên khoảng 100,000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn còn e dè trong việc tái đàn nên năm 2021 vẫn còn cao và đến 2022 sẽ xuống ổn định trở lại.

Đầu năm 2020, giá heo lên khoảng 85,000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 90,000 đồng/kg và duy trì ở mức cao kéo dài. Nhìn chung giá heo dự báo sẽ vẫn còn cao trong năm 2020 và kéo dài đến năm 2021.

Duy Na

FILI