VKC thanh lý tài sản để cơ cấu tài chính, người của nhóm Louis rút khỏi HĐQT

Sắp tới, CTCP VKC Holdings (HNX: VKC) sẽ chào bán một số tài sản để cải thiện tình hình tài chính cũng như bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, bóng dáng nhóm Louis đang dần rút khỏi VKC.

VKC thanh lý tài sản để cơ cấu tài chính, người của nhóm Louis rút khỏi HĐQT

Sắp tới, CTCP VKC Holdings (HNX: VKC) sẽ chào bán một số tài sản để cải thiện tình hình tài chính cũng như bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, bóng dáng nhóm Louis đang dần rút khỏi VKC.

VKC đang tiến hành thanh lý tài sản, một vài nhà xưởng quyền sử dụng các lô đất để cải thiện tình hình tài chính giải quyết và cơ cấu lại các khoản nợ vay đồng thời bổ sung nguồn vốn cho SXKD. Cụ thể, HĐQT đã thông qua nghị quyết ủy quyền ban điều hành thẩm định giá và chào giá cạnh tranh công khai 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Long Anh và Bình Dương. Tổng diện tích sử dụng đất là gần 23 ha.

Các tài sản VKC dự kiến chào bán
Nguồn: VKC

Ban điều hành của VKC cho biết việc bán thanh lý các tài sản này không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất kinh doanh của Công ty hiện nay.

Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức của Công ty cũng đang có sự thay đổi. Các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và ban điều hành được bầu từ cuối năm 2021 - khi nhóm Louis của ông Đỗ Thành Nhân vào nắm quyền VKC đang lần lượt rút lui.

Từ quý 3/2021 khi thâu tóm VKC, nhóm Louis đã miễn nhiệm tất cả thành viên HĐQT và ban kiểm soát và ban giám đốc của CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh. Đồng thời, đổi tên Công ty thành CTCP VKC Holdings. Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 do nhóm Louis triệu tập, VKC đã bầu mới 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát.

Kết quả bầu Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của VKC cuối năm 2021

Tới tháng 5/2022, 2 trong số 5 thành viên HĐQT kể trên gồm ông Trịnh Văn Bảo, ông Ngô Thục Vũ và 1 thành viên Ban kiểm soát là ông Hồ Đăng Dân đã từ nhiệm.

Mới đây, 3 thành viên HĐQT còn lại là ông Nguyễn Thiện Cảnh, ông Huỳnh Thanh Tùng và ông Bùi Việt Dũng đã có đơn xin từ nhiệm từ ngày 29/06/2022.

Đồng thời, 2 thành viên Ban kiểm soát là ông Phạm Minh Vương và bà Phạm Thư Thảo cũng có đơn xin từ nhiệm từ ngày 29/06/2022.

Có thể thấy, người của nhóm Louis đang dần rút khỏi VKC, nhất là sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán hồi tháng 4/2022.

Theo văn bản công bố thông tin, HĐQT hiện tại sẽ đảm nhiệm và tiến hành các thủ tục có liên quan trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 xem xét đơn từ nhiệm của các thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát cho đến khi bầu mới được HĐQT và ban kiểm soát mới.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VKC dự kiến tổ chức ngày 29/06 sắp tới. Năm 2022, VKC định hướng trở thành tập đoàn sản xuất - thương mại hàng đầu trong nước và khu vực. Trong chiến lược năm 2022 và những năm sau, VKC tập trung vào các giá trị cốt lõi, định hình là nhà thương mại vỏ xe và phụ tùng số 1 tại Việt Nam, nhà sản xuất các sản phẩm có chất lượng uy tín về cáp viễn thông - dây điện, các sản phẩm về ngành nhựa và trang trí nội thất.

Đáng chú ý, năm 2022, VKC tiếp tục tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm: Sản xuất và cung cấp ống nhựa, hạt nhựa và cung cấp sản phẩm nội thất bằng gỗ, tấm Foam.

Về mặt con số, sau khi biến cố từ nhóm Louis, Công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu đạt 502 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 3.1 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến năm 2022 là 5%.

Yến Chi

FILI