VSG trong vòng xoáy thua lỗ

Năm 2021, CTCP Container Phía Nam (VSG) tiếp tục lên kế hoạch lỗ, dự kiến kéo dài chuỗi thua lỗ lên 11 năm liền.

VSG trong vòng xoáy thua lỗ

Năm 2021, CTCP Container Phía Nam (VSG) tiếp tục lên kế hoạch lỗ, dự kiến kéo dài chuỗi thua lỗ lên 11 năm liền.

Chuỗi ngày chìm trong lỗ của VSG

CTCP Container Phía Nam (UPCoM: VSG) được thành lập từ năm 1976. Năm 2008, Công ty niêm yết lên sàn HOSE với vốn điều lệ hơn 110 tỷ đồng. Sau khi lên sàn không lâu, tới năm 2010, Công ty bắt đầu chuỗi thua lỗ triền miên. Tới năm 2013, Công ty buộc phải hủy niêm yết và chuyển về giao dịch ở sàn UPCoM. Trong 10 năm liên tiếp, Công ty liên tục báo lỗ hàng chục tỷ mỗi năm.

Tính tới cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Công ty lên tới gần 598 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 430.6 tỷ đồng. Tại thời điểm này, nợ ngắn hạn của Công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn hơn 555 tỷ đồng. Tình trạng này khiến đơn vị kiểm toán phải đưa ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Kết quả kinh doanh của VSG từ 2009 tới nay
Đvt: Tỷ đồng

Năm 2020, VSG lỗ ròng 39.5 tỷ đồng. Các nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ: Chi phí cho hoạt động của đội tàu vẫn cao dẫn đến giá vốn tăng mạnh và lỗ gộp 9.7 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí sửa chữa, thị trường vận tải biển khó khăn, giá cước giảm, hàng hóa vận chuyển ít. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc không thay được thuyền viên, kết hợp với chính sách vơ vét thuyền viên của Trung Quốc dẫn đến việc lương thuyền viên phải tăng cao khoảng 20% để giữ chân. Đồng thời, do ảnh hưởng dịch bệnh nên không thu xếp được vật tư và sửa chữa kịp thời gây ra nhiều sự cố cho tàu và phải ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục phải chịu hơn 28 tỷ đồng chi phí lãi vay và trích lập dự phòng phải thu tới hơn 40 tỷ đồng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.

Điểm sáng trong năm 2020 của VSG là khoản lợi nhuận khác hơn 45.3 tỷ đồng chủ yếu từ việc thu tiền sửa chữa tàu từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Tiếp tục đặt kế hoạch lỗ năm 2021

Năm 2021, với tình hình hoạt động kinh doanh chính của công ty gặp nhiều khó khăn, nợ phải trải lớn khiến chi phí tài chính cao dẫn đến hoạt động kinh doanh bị lỗ, HĐQT của VSG đang xem xét tiến hành tái cấu trúc tài chính của Công ty thông qua phát hành tăng vốn trong năm 2021 nhằm mục đích tái cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh lỗ nhiều năm, không đủ điều kiện phát hành tăng vốn ra công chúng, trên cơ sở cân nhắc kỹ các phương án khả thi HĐQT cho biết sẽ xây dựng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ định hướng kinh doanh mới cho công ty khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhiều năm nay không có tiến triển khả quan một phần chịu ảnh hưởng của thị trường vận tải biển. Tuy nhiên, HĐQT cũng cho biết với tình hình hiện tại của công ty, việc triển khai kinh doanh bất động sản cũng rất khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 28/04/2021, cổ đông đã có nhiều chất vấn liên quan tới hoạt động của Công ty, trong đó có đề xuất về việc bán tàu cắt lỗ. Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Tuấn Dũng – Quyền Tổng Giám đốc của Công ty cho biết thị trường hiện còn nhiều biến động, cước vận chuyển đang tăng, bên cạnh đó giá thép cũng tăng cao. Do đó, Công ty sẽ tiếp tục theo dõi, nếu hoạt động vận tải hiệu quả với tình hình giá cược hiện tại thì sẽ tiếp tục. Trường hợp thanh lý tàu có lợi hơn thì Công ty sẽ xem xét bán để cắt lỗ.

ĐHĐCĐ thường niên của VSG tổ chức ngày 28/04/2021

Tại Đại hội ông Dũng cũng chia sẻ ngoài hoạt động vận tải biển và cho thuê bất động sản, VSG không có nguồn thu nào khác.

Năm 2021, VSG lên kế hoạch doanh thu thuần 260 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 23.2 tỷ đồng. Theo kế hoạch này, Công ty vẫn chưa thoát ra khỏi vòng xoáy thua lỗ.

Trước chất vấn của cổ đông về việc HĐQT có đang hoạt động hiệu quả và đề xuất cắt giảm bớt nhân sự HĐQT để tiết giảm chi phí, Chủ tịch Nguyễn Thị Hải Lý cho rằng mức thù lao hiện tại cho HĐQT không quá nhiều. Trong năm 2020, Công ty cũng đã rà soát để giảm số nhân sự từ 38 về còn 31. Do đó, bà Lý đề nghị giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT để cùng ban điều hành phối hợp giải quyết tình trạng của Công ty.

Yến Chi

FILI